Hỏi: Để mua nhà tại Việt Nam người nước ngoài cần có những điều kiện như thế nào? Các điều kiện giấy tờ, thủ tục cần thiết để Việt kiều và người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam ra sao?
Trả lời:
Về số lượng và hình thức nhà ở được sở hữu tại Việt Nam: Việt kiều có thể sở hữu nhà ở hoặc nền đất thuộc dự án nhà ở thương mại trong nước với số lượng không hạn chế theo quy định mới.
Đối với các cá nhân, tổ chức nước ngoài thì được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư. Trong một đơn vị hành chính cấp phường có nhiều tòa nhà chung cư thì họ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư đó.
- Với nhà ở riêng lẻ trong dự án nhà ở thương mại thì cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu số lượng cụ thể sau đây:
1. Nếu chỉ có 1 dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì họ chỉ được sở hữu không quá 10% (250 căn) trên tổng số lượng nhà ở của dự án này.
2. Nếu có từ 2 dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì họ cũng chỉ được sở hữu không quá 10% số lượng nhà ở của mỗi dự án.
Luật Nhà ở năm 2014 có nhiều quy định mở hơn cho phép người nước ngoài
và Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
- Về điều kiện, giấy tờ, thủ tục cần thiết để Việt kiều và người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 quy định, đối với Việt kiều mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam.
Nếu Việt kiều mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam.
Còn với cá nhân nước ngoài thì hộ chiếu phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý.
Trong khi đó, đối với tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng đủ điều kiện công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam và có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở.
- Về phương thức thanh toán được quy định như sau:
Việc thanh toán tiền thuê, mua bán nhà ở có thể thực hiện thông qua tổ chức tín dụng hoặc sử dụng tiền mặt và theo sự thoả thuận giữa các bên trong nội dung hợp đồng.
Việc thanh toán tiền thuê mua, mua bán nhà ở qua tổ chức tín dụng của cá nhân, tổ chức Việt kiều và người nước ngoài và việc chuyển tiền cho thuê mua, bán nhà ở ra nước ngoài của các đối tượng này sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể.
- Về thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam: Thời hạn tối đa để người nước ngoài sở hữ nhà tại Việt Nam là 50 năm.
Luật Nhà ở năm 2014 quy định, cá nhân nước ngoài có thời hạn sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận. Thời hạn sở hữu nhà ở tối đa của tổ chức nước ngoài không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Một khi hết hạn sở hữu nhà ở ghi trong Giấy chứng nhận, trường hợp chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức nước ngoài có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét để gia hạn thêm.
Nếu trước khi hết hạn sở hữu nhà ở mà cá nhân, tổ chức nước ngoài tặng cho hoặc bán nhà ở thì người được tặng cho, người mua được sở hữu nhà ở theo quy định sau:
Một là, trường hợp bên nhận tặng cho, bên mua là hộ gia đình, tổ chức, cá nhân trong nước hoặc Việt kiều thì họ sẽ được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.
Hai là, trường hợp bên nhận tặng cho, bên mua là cá nhân, tổ chức nước ngoài (thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam) thì họ chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại. Nếu khi hết thời hạn sở hữu còn lại mà chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét gia hạn thêm.
- Về hợp đồng mua bán
Điều 6 Luật Công chứng quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt”. Theo đó, cá nhân, tổ chức nước ngoài nếu không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch. Đồng thời, người phiên dịch do bên yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình.
Mặt khác, việc giao dịch nhà ở thông qua doanh nghiệp địa ốc có thể áp dụng theo mẫu được quy định tại Điều 6 Nghị định 76/2015/NĐ-CP. Những mẫu hợp đồng này có thể lập song ngữ và nên có người phiên dịch để đảm bảo tính pháp lý.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh
(Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh)
(Infonet)