Theo quy định của pháp luật, sẽ có một số loại hợp đồng giao dịch bắt buộc phải công chứng nếu không sẽ bị coi là vô hiệu. Vậy việc công chứng có bắt buộc đối với hợp đồng thuê nhà hay không?
Là một dạng hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng thuê nhà có thể coi là sự thỏa thuận giữa các bên. Cụ thể, bên cho thuê sẽ giao nhà cho bên thuê để sử dụng trong một thời gian nhất định và được bên thuê trả tiền nhà, có sự đồng thuận của 2 bên. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014, việc công chứng, chứng thực hợp đồng là không bắt buộc đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở, cho ở nhờ, trừ khi các bên có nhu cầu. Do đó, việc có công chứng hợp đồng thuê nhà hay không sẽ tùy thuộc vào mong muốn của các bên.
Dù vậy, riêng với những hợp đồng thuê nhà có giá trị lớn, việc công chứng, chứng thực hợp đồng là cần thiết để có thể hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến cho cả chủ nhà lẫn người thuê. Chị Hạnh (Quận 5, TP.HCM) đã đề nghị chủ nhà công chứng hợp đồng để đảm bảo tối đa tính pháp lý khi thuê nhà mặt phố để kinh doanh. Tuy nhiên, người chủ này không đồng ý với lý do là cả hai bên đã thống nhất được giá thuê, điều khoản cũng đã được soạn trong hợp đồng nên việc công chứng là không cần thiết, tốn tiền, mất thời gian.
|
Việc công chứng, chứng thực hợp đồng là cần thiết đối với những hợp đồng thuê nhà có giá trị lớn. Ảnh minh họa: Internet |
Nghe vậy, chị Hạnh cũng từ bỏ ý định công chứng và đồng ý ký hợp đồng thuê với giá 1.000 USD/tháng trong thời hạn nửa năm. Song, tình hình kinh doanh không mấy khá khẩm nên chưa hết 6 tháng, chị Hạnh đã muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vốn tính cẩn trọng nên chị đã gọi báo trước chủ nhà 1 tháng để họ sắp xếp tìm người thuê mới và trả lại khoản cọc 10 triệu đồng. Tuy nhiên, mọi thứ không như dự tính của chị khi chủ nhà phớt lờ đề nghị này, chưa kể đến hợp đồng cũng không hề nêu ra bất cứ một điều khoản nào về việc bên thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Không những vậy, theo pháp lệnh ngoại hối, mọi giao dịch, niêm yết, thanh toán, quảng cáo... trong hợp đồng, thỏa thuận cũng như các hình thức tương tự khác đều không được phép thực hiện bằng ngoại hối, ngoại trừ những trường hợp được phép theo quy định cụ thể. Việc này cũng đồng nghĩa rằng hợp đồng thuê nhà nói trên không có giá trị pháp lý. Nếu quyết liệt hơn về việc đem hợp đồng đi công chứng, có lẽ chị Hạnh đã không rơi vào hoàn cảnh éo le này. Chẳng những vậy còn có thể phát hiện ra được những lỗ hổng pháp lý trong hợp đồng và kịp thời thỏa thuận, sửa đổi lại.
Một lưu ý nữa, trong trường hợp không công chứng hợp đồng thuê nhà, để hạn chế rủi ro, bên thuê nên yêu cầu bên cho thuê đưa ra giấy tờ nhà, đất để xác định được chủ quyền của họ. Hoặc, nếu người cho thuê không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bạn vẫn có thể yêu cầu họ cung cấp giấy, hợp đồng ủy quyền để kiểm tra xem người sẽ ký hợp đồng có quyền giao kết hợp đồng thuê nhà không? Phạm vi và thời hạn ủy quyền cụ thể ra sao...
(ThanhnienViet)