Tư vấn luật

Có thể bán nhà đã chỉ định trong di chúc?

07/11/2015 - 11:11

Người lập di chúc có quyền sửa đổi, thay thế, bổ sung, hoặc thậm chí hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào.

Năm 2014, tôi đã lập di chúc để lại tài sản cho con cháu. Hiện tôi đang có việc cần phải bán bớt căn nhà vốn được chỉ định cho đứa cháu trong di chúc để chi trả. Vậy xin hỏi nếu làm như vậy có được hay không và tôi có quyền sửa di chúc đã lập đó không? (di chúc đã được công khai đến mọi người trong nhà).

Phạm Văn G. (huyện Hóc Môn, Tp.HCM)

 

tư vấn luật
Dù đã lập di chúc phân chia tài sản cho từng người và công khai việc này song người lập di chúc có quyền sửa đổi,  thay thế, bổ sung di chúc bất cứ lúc
nào theo mong muốn

 

Trả lời:

Theo quy định Điều 648 Bộ luật Dân sự năm 2005, người lập di chúc sẽ có những quyền sau đây:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền thừa hưởng di sản của người thừa kế;

-  Dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng, di tặng;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Chỉ định người người quản lý di sản, giữ di chúc, người phân chia di sản.

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

Bên cạnh đó, Điều 662 bộ luật trên cũng quy định về sửa đổi, thay thế, bổ sung, hủy bỏ di chúc như sau:

- Người lập di chúc có quyền sửa đổi, thay thế, bổ sung, hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào.

- Nếu người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung sẽ có hiệu lực pháp luật như nhau; trường hợp một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung có sự mâu thuẫn thì chỉ riêng phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

- Nếu người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước sẽ bị hủy bỏ.

Căn cứ vào những quy định trên, tuy ông đã lập di chúc phân chia tài sản cho từng người và công khai việc này song ông có quyền sửa đổi,  thay thế, bổ sung di chúc bất cứ lúc nào theo quy định trên. 

Cùng với đó, ông cũng có quyền bán bất cứ tài sản nào mà mình sở hữu dù nó đã được chỉ định trong di chúc. Ông hoàn toàn có quyền bán căn nhà đã chỉ định cho người cháu. Bởi vì, di chúc sẽ chỉ phát sinh hiệu lực khi người lập di chúc chết. 

Luật sư Lê Đăng Liệu, Trưởng văn phòng luật sư Lê Đăng Liệu (Tp.HCM)

(Pháp luật Tp.HCM online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm