Nhiều nước trên thế giới đang quay lưng với sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc khiến Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) lo ngại sâu sắc về vấn đề bảo hộ thương mại đối với lĩnh vực sản xuất thép của nước này.
Các sản phẩm thép xuất khẩu bị áp thuế cao tại một số thị trường như châu Âu và
Mỹ khiến Trung Quốc lo ngại. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Tại một số thị trường như Mỹ và châu Âu, thép Trung Quốc đang gặp khó khăn khi bị các cơ quan chức năng tại các thị trường này quyết liệt áp thuế chống bán phá giá.
Trước đó, việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép tăng vọt lên các mức kỷ lục khi công suất thép dư thừa ở nước này ước tính trên 300 triệu tấn/năm, gấp 3 sản lượng thép hàng năm của Nhật Bản, đã thổi bùng căng thẳng thương mại toàn cầu. Ước tính Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng thép (803,8 triệu tấn) trong năm 2015, thép xuất khẩu đạt 111,6 triệu.
Do đó, một số nước trong khu vực đang áp thuế tự vệ đối với thép Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước. Mới đây, cơ quan thương mại của Hoa Kỳ cho biết ngành thép của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động nhập khẩu các sản phẩm thép cán nguội từ Trung Quốc và Nhật Bản. Thế nên, Bộ Thương mại Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 265,79% và 256,44%.
Vào tháng 3/2016, Ủy ban châu Âu đã công bố đẩy mạnh các trường hợp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và kêu gọi các nước thành viên EU ngăn chặn bằng cách có thể áp thuế cao hơn các sản phẩm bán phá giá của Trung Quốc. Để phản đối lại thép Trung Quốc, hàng ngàn công nhân EU tại Bỉ đã xuống đường biểu tình.
Không nằm ngoài xu thế chung đó, các nước như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia cũng đang tìm cách đương đầu với thép nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc bằng cách đổi mới công nghệ sản xuất hoặc áp thuế tự vệ nhằm bảo vệ ngành thép trong nước.
Phản ứng lại các biện pháp phòng vệ của các nước trên thế giới, Trung Quốc cho rằng việc cung vượt cầu là vấn đề chung toàn cầu do đà suy thoái kinh tế. Bắc Kinh sẽ sẵn sàng hợp tác tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề dư thừa thép và thông báo đã cắt giảm 500.000 việc làm trong các nhà máy thép của họ.
(Báo Xây dựng Online)