Trước đây, gạch đất nung là vật liệu phổ biến nhất trong xây dựng, nhưng hiện nay đã có thêm loại gạch không nung, gạch siêu nhẹ và nhiều sản phẩm khác để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Vậy bạn biết gì về gạch siêu nhẹ? Những ưu, nhược điểm của loại vật liệu này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Gạch siêu nhẹ là gì?
Đây chính là gạch không nung bê tông, gồm hai loại là gạch không nung bê tông bọt và gạch bê tông khí chưng áp. Gạch siêu nhẹ được sản xuất từ xi măng, sợi tổng hợp, tro nhiệt điện, chất tạo bọt... tạo nên kết cấu rỗng cho viên gạch. Đặc trưng của vật liệu này là xốp nên trọng lượng của viên gạch rất nhẹ, chỉ bằng 1/3 so với gạch đất nung. Thậm chí, gạch siêu nhẹ có thể nổi được trên mặt nước.
Tại sao gọi là gạch siêu nhẹ?
Các loại gạch nhẹ đều sử dụng thành phần nguyên liệu giống nhau nhưng sự khác biệt của chúng nằm ở quy trình sản xuất. Cụ thể, loại gạch bê tông bọt được sản xuất với công nghệ khá lạc hậu đóng khuôn tay nên sản lượng sản xuất không nhiều và nó phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trong khi đó, loại gạch bê tông chưng áp khí sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất, bột nhôm tạo khí và tất cả đều được sử dụng máy móc hiện đại nên đạt chất lượng.
Cái tên gạch siêu nhẹ chính là do các thành phần khí trong viên gạch xếp đều dạng ô tinh thể, có khả năng chịu được lực cao và chiếm đến 80% thể tích nên có thể giúp viên gạch khí chưng áp nổi được trên mặt nước.
Gạch siêu nhẹ có thể nổi được trên mặt nước.
Ưu, nhược điểm của gạch siêu nhẹ
Chính trọng lượng nhẹ và nhiều tính năng nổi bật nên gạch siêu nhẹ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Vật liệu này được áp dụng cho hầu hết mọi công trình dân dụng từ nhà cao tầng cho đến các công trình khác như nhà xưởng, văn phòng và những công trình đòi hỏi có tính kiên cố khác.
Ưu điểm của gạch siêu nhẹ là khả năng cách âm, cách nhiệt, chống ồn, chống nóng hiệu quả. Kết hợp gạch siêu nhẹ với vật liệu cách nhiệt khác sẽ giúp tăng thêm độ yên tĩnh cũng như sự thoải mái cho công trình.
Thời gian thi công nhanh là một trong những ưu điểm phải kể tới của gạch siêu nhẹ. Loại gạch này giúp giảm 30-50% thời gian thi công so với các loại gạch thông thường. Từ đó, giúp giảm được chi phí cho nhân công, hơn nữa lượng vôi vữa cũng được giảm đi đáng kể. Vì vậy, khi sử dụng gạch bê tông nhẹ sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí so với gạch đất nung.
Gạch siêu nhẹ được sản xuất từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường nên không gây ô nhiễm, thân thiện với người sử dụng và nhất là có thể tái sản xuất một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi bật nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua nhược điểm của loại gạch này, đó là khả năng chịu lực theo phương ngang yếu, thiếu linh hoạt trong thiết kế kiến trúc với nhiều góc cạnh, không có khả năng chống thấm tốt nên không thích hợp để xây dựng ở những khu vực tiếp xúc nhiều với nước.
(Tạp chí Xây dựng)