Trong 21 tháng qua, giá bất động sản (BĐS) tư nhân tại Singapore đã giảm liên tục và đến tháng 7/2015, con số ước tính mới nhất là âm 0,9%.
Một trong những lý do được đưa ra là lệ phí trước bạ bổ sung (ABSD) người mua phải chịu khiến giá nhà bị đẩy lên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu bỏ ABSD thì quốc gia này có tiêu thụ nổi 22.000 căn hộ sẽ hoàn thành trong năm nay và đến năm 2016 là 21.000 căn hộ hay không?
Khi thị trường BĐS nhà ở giảm sút, hiện một số nhà đầu tư (NĐT) nhanh nhạy đã chuyển sang BĐS công nghiệp. Nhưng do những quy định khắt khe và số người thuê hạn chế trong bối cảnh kinh tế phát triển chậm lại nên số lượng NĐT trong lĩnh vực này ngày một giảm. Trong khi đó, thị trường BĐS thương mại dường như vững chãi hơn với nhiều giao dịch mua bán nhà ở dùng làm cửa hàng nhưng đây chỉ là thị trường nhỏ dành cho các NĐT có sẵn nhiều tiền mặt.
Giải pháp được cho là hiệu quả nhất chính là việc NĐT Singapore mua BĐS ở nước ngoài với con số ước tính 2 tỷ đô la Singapore (SGD) vào năm ngoái. Vừa qua, việc SGD lên giá so với đô la Australia hay ringgit của Malaysia khiến NĐT Singapore quay sang mua nhà ở 2 nước này. Tuy nhiên, những NĐT khôn ngoan đều cần phải lưu ý đến yếu tố cung cầu.
Chẳng hạn, dự kiến xây 336.000 căn hộ tại tiểu bang Johor (Malaysia) tức nhiều hơn cả số căn hộ tư nhân hiện nay tại Singapore. Vì vậy, đầu tư vào BĐS tại Singapore vẫn hợp lý hơn cả. Dĩ nhiên những người có tiền để đầu tư và BĐS kênh đầu tư khả thi nhất mà họ lựa chọn. Cổ phiếu và chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, hơn nữa đòi hỏi NĐT phải âm hiểu sâu sắc về thị trường này. Một khi những hàng rào hạn chế như ABSD nói trên được cởi bỏ, chắc hẳn thanh khoản có thể lại chảy vào thị trường BĐS.
Hầu hết người dân Singapore cho rằng, đầu tư vào BĐS là con đường chắc ăn
để làm giàu. (Ảnh minh họa, nguồn: bestcities)
Theo phần lớn người dân quốc đảo sư tử, BĐS là con đường chắc ăn nhất để trở nên giàu có. Minh chứng là, trong thập niên qua giá BĐS đã tăng 75%. Nếu như 1 ngôi nhà mua cách đây 50 năm với giá 50.000 SGD, đến nay có thể bán được 3 triệu SGD.
Cách đây 30 năm, 1 căn hộ chung cư do nhà nước xây (HDB) được mua với giá 70.000SGD thì nay có thể dễ dàng được bán với giá trên dưới 800.000 SGD. Có được kết quả này là nhờ tăng trưởng kinh tế cũng như vị thế của 1 trung tâm tài chính đã tạo thành nền tảng cho việc tăng giá BĐS tại đất nước này. Thực tế cho thấy, sự bùng nổ của thị trường BĐS trước đây không hẳn do NĐT có rủng rỉnh tiền mà do Singapore rất hấp dẫn với NĐT quốc tế.
Một báo cáo của CBRE vào tháng 10/2014 cho biết, giá BĐS tính trên m2 ở khu trung tâm London khoảng 23.680 bảng Anh (GBP), tại Hong Kong là 20.990 GBP và Singapore khoảng 10.225 GBP. Mặc dù những số liệu này sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng báo cáo này cũng cho thấy giá ở các thành phố có vị trí trung tâm tài chính bao giờ cũng cao hơn các nơi khác.
Tại Singapore và Hong Kong, giá BĐS cao ngất ngưởng như là bởi đây là những trung tâm tài chính và đầu mối giao thương chính của cả khu vực. Vì thế, giá BĐS ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia chỉ có 2.002GBP/m2, tức chỉ bằng 1/10 giá BĐS Singapore. Trong khi đó, tại Nhật Bản, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, song thời gian tăng trưởng bằng không đã làm thị trường BĐS trầm lắng và giá BĐS khu trung tâm Tokyo cũng chỉ khoảng 8.773GBP/m2.
Mới đây, trong phát biểu với người dân, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng thách thức chính của đảo quốc này trong các thập niên tới sẽ là duy trì tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh tỷ lệ sinh sản. Giới chuyên gia cho hay, những hậu quả từ thách thức này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đối với thị trường BĐS, do đó chỉ cần tỷ lệ tăng trưởng 2-4% cũng là điều đáng để khích lệ. Trên thực tế, trong suốt nhiều thập niên qua, tại Singapore giá BĐS luôn song hành với xu hướng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
(Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online)