Thông tin thị trường

Giao dịch bất động sản bằng tiền mặt là điều không nên

31/10/2019 - 11:33

Việc thực hiện giao dịch bất động sản tiền mặt được các chuyên gia cho rằng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó việc xách cả bao tải tiền đi mua nhà, đất thực sự là điều không nên làm.

Rất nhiều rủi ro khi giao dịch bất động sản bằng tiền mặt 

Một chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại buổi tọa đàm về lĩnh vực này mới diễn ra gần đây đã cho hay, tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử của Việt Nam thuộc diện hàng đầu thế giới trong năm 2019.

Nhưng do xuất phát điểm của chúng ta rất thấp nên con số tăng trưởng vẫn “chưa nói lên nhiều điều”. Tiền mặt tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam vẫn là vua và chiếm tỷ lệ lớn trong các giao dịch, thậm chí là cả những giao dịch giá trị lớn như bất động sản.

Việc thanh toán tiền mặt vẫn thường xuyên diễn ra trong các giao dịch nhà đất, dù Nghị quyết 02 của Chính phủ đã khuyến khích không sử dụng tiền mặt để thực hiện các giao dịch bất động sản giá trị lớn.

TS. Căn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng trong cuộc trao đổi với PV đã cho biết, Việt Nam vẫn có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao hơn so với các nước cùng khu vực. Mà nguyên nhân không chỉ đến từ người tiêu dùng, mà còn nằm ở các tổ chức cung cấp thanh toán và một phần từ cơ quan quản lý nhà nước.

Vị chuyên gia tài chính nói: “Người Việt thói quen tích trữ, sử dùng tiền mặt. Đôi khi cũng có người chưa thực sự tin tưởng vào các hình thức thanh toán điện tử nên không muốn trải nghiệm. Còn từ phía các tổ chức cung cấp thanh toán, mặc dù có những tiến bộ song mức độ tiện lợi, lấy được niềm tin từ phía khách hàng chưa phải cao. Đâu đó vẫn xảy ra những rủi ro trong thanh toán, xử lý rủi ro còn bất cập, còn lâu."

Riêng về lĩnh vực bất động sản, ông Lực cho biết, vẫn có rất nhiều trường hợp sử dụng tiền mặt để thanh toán giao dịch. Mà đây là nhu cầu xuất phát từ cả hai bên mua - bán.

 mang cả bao tải tiền mặt đi giao dịch mua bán nhà đất
Người dân vẫn giữ thói quen mang cả bao tải tiền mặt đi giao dịch mua bán nhà đất dù có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Ảnh: VTC

Ông cho biết thêm: “Nếu người bán muốn nhận vào tài khoản ngân hàng thì có thể yêu cầu người người mua chuyển khoản. Nhưng nhiều trường hợp, người bán lại thích “tiền tươi thóc thật”. Việc xách cả bao tải tiền để đi giao dịch như vậy rất rủi ro. Vừa lo phải tiền giả, lại lo cướp bóc, mất trộm, nguy hiểm rình rập…”

Lý do thích nhận tiền mặt trong giao dịch bất động sản ngoài các yếu tố thói quen, tâm lý tích trữ, sử dụng tiền mặt, chưa ý thức được hết các rủi ro, đó còn là hình thức thanh toán nhằm trốn thuế, rửa tiền.

Việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản theo quy định hiện đang được Bộ Xây dựng đẩy mạnh và yêu cầu các sở phải có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương cần nghiêm chỉnh tuân theo.

Cụ thể, đối với những giao dịch đáng ngờ, những giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên cần phải lập báo cáo gửi về các cơ quan: Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Theo ông Cấn Văn Lực, có thể việc báo cáo này chưa mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống rửa tiền đối với lĩnh vực bất động sản nhưng chắc chắn có tác động phần nào. Vấn đề chính ở đây là ý thức của các bên thực hiện giao dịch bất động sản cần phải được nâng cao hơn nữa để tăng tính minh bạch cho thị trường.

Có phải “tiền trong tay mình là an toàn nhất”?

Chị Miên (Hà Đông, Hà Nội), một người làm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với rất nhiều hợp đồng được thực hiện mỗi năm cho biết, việc thanh toán qua hình thức chuyển khoản rất tiện lợi và an toàn. Do đó, chị thường khuyến khích khách hàng của mình sử dụng hình thức thanh toán này trong mỗi giao dịch.

Song, không phải vị khách nào cũng nghe theo lời tư vấn của chị, nhất là đối tượng khách hàng ở độ tuổi trung niên hoặc sống tại các khu vực nông thôn. Điều này xuất phát từ suy nghĩ "tiền trong tay mình là an toàn nhất" nên họ đã yêu cầu được thanh toán bằng tiền mặt khi mua bán nhà, đất. Chị Miên cho biết thêm, việc chứng kiến cả đống tiền nằm ngổn ngang tại các phòng công chứng không phải là điều gì quá xa lạ đối với chị.

Giao dịch bất động sản bằng tiền mặt
Giao dịch bất động sản bằng tiền mặt tại một văn phòng công chứng. Ảnh: N.M.

Theo phân tích của chuyên gia bất động sản, giao dịch bất động sản thường có giá trị lớn, có nhiều căn biệt thự, nhà phố được rao bán với giá lên tới vài chục tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ôm cả một “núi” tiền đi giao dịch là rất nguy hiểm. Ngoài ra, nếu hình thức thanh toán điện tử được đẩy mạnh sẽ giúp khoản tiền hình thành trái pháp luật được giảm xuống.

Vị chuyên gia cũng kiến nghị, các quy định pháp luật nên bắt buộc các giao dịch bất động sản có giá trị lớn phải thực hiện thông qua ngân hàng nhằm hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, phòng chống và ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền. Bởi. lúc này khi tiền qua ngân hàng thì các ngân hàng sẽ có trách nhiệm xác minh nguồn gốc của dòng tiền và báo cáo cơ quan chức năng trong trường hợp có sai phạm xảy ra.

Một lý do nữa khiến các bên thực hiện giao dịch bất động sản thường chuộng hình thức giao dịch bằng tiền mặt là có thể giảm bớt được các khoản thuế, phí phải đóng cho Nhà nước. Chính lý do này nên thực tế đã xuất hiện rất nhiều hợp đồng mua bán nhà đất có giá trị thấp hơn so với giá giao dịch. Cơ quan thuế cũng đã phát hiện ra nhiều hồ sơ khai thuế có giá chuyển nhượng thấp hơn so với bảng giá được UBND tỉnh thành ban hành.

Việc kê khai giá mua bán nhà đất trong hợp đồng thấp so với giá trị chuyển nhượng thực có thể giúp giảm được một khoản tiền thuế nhưng lại tiềm ẩn rất nhiểu rủi ro khi có tranh chấp xảy ra. Do đó, người mua cần phải lưu ý điều này khi thực hiện giao dịch bất động sản, đặc biệt là giao dịch bằng tiền mặt.

(Dantri)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm