Trong quý II vừa qua, hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có lợi nhuận tăng đột biến, góp phần tạo nên những dấu ấn đặc biệt cho ngành địa ốc trong nửa đầu năm 2015. Trong những quý tiếp theo của năm nay, dự báo các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục gây ấn tượng.
Tiêu biểu cho những doanh nghiệp nói trên là SCR với lợi nhuận gấp 8 lần trong 6 tháng đầu năm 2015, theo sau là KBC gấp 6 lần, CEO cao gấp 4 lần, hoặc NTL gấp 2,4 lần hay KDH 1,5 lần… trong tương quan với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó có thể thấy, trong quý II/2015, ngành BĐS đã có những khởi sắc tích cực. Theo nhiều dự báo của các chuyên gia trong ngành, khi luật nhà ở sửa đổi cho phép người nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015 sẽ đánh dấu một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường nhà đất Việt Nam.
Trong nửa đầu năm nay, điểm khác biệt của thị trường BĐS so với những thời kỳ trước là, thay vì các dự án nhà ở xã hội và phân khúc nhà giá rẻ (dưới 1 tỷ đồng/căn), phân khúc cao cấp ghi nhận giao dịch sôi động nhất. Có thể nói, đây chính là một điểm mới khi dòng tiền đầu tư và đầu cơ đón đầu thay đổi của luật nhà ở. Song theo diễn biến của thị trường hiện tại, do phân khúc BĐS cao cấp có ít sản phẩm, khan hiếm nhà cung cấp nên dễ gây ra tình trạng "sốt" dòng sản phẩm cũng như nhiều chủ dự án đua nhau xây dựng dự án mới để bắt kịp nguồn cầu của thị trường.
Tại hai miền Nam - Bắc cũng có sự khác biệt về nguồn cung phân khúc cao cấp. Nếu như tại phía Nam, dòng sản phẩm này khá đa dạng còn tại khu vực phía Bắc, nhất là Hà Nội lại rất hạn chế về số sản phẩm cũng như nhà cung cấp, dòng sản phẩm này chỉ tập trung ở một số dự án như Star City, Vinhomes, Imperia... Được biết, thanh khoản của Vinhome Times City khá tốt với khoảng 300 căn hộ đã bán thành công ra thị trường. Trong khi đó, dòng sản phẩm biệt thự chỉ có ở các dự án như Vinhomes Riverside, LIDECO Bắc Quốc lộ 32, The Manor. Đặc biệt, dự án LIDECO Bắc QL32 của chủ đầu tư là Công ty Nhà Từ Liêm tập trung nhiều nhà biệt thự nhất. Trên thực tế, các doanh nghiệp này có lợi thế rất lơn khi các sản phẩm đã hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Công ty Nhà Từ Liêm sau giai đoạn chủ động ngưng bán hàng do thị trường địa ốc bất động, hiện cũng đã đẩy mạnh đưa dự án của mình ra thị trường. Tại Hà Nội, dòng sản phẩm của doanh nghiệp này được tiêu thụ rất tốt. Điển hình như dự án N04 B1 Dịch Vọng hoặc X2 Mỹ Đình đã bán hết và chuẩn bị bàn giao vào cuối năm 2015. Điều này lý giải cho việc Nhà Từ Liêm đạt kết quả kinh doanh rất ấn tượng với lượng căn họi tiêu thụ nhanh chóng. Đơn vị này đã đạt lợi nhuận sau thuế là hơn 20 tỷ đồng trong quý II/2015, con số này cao gấp 17 lần cùng kỳ năm trước.
Biểu đồ tương quan lợi nhuận quý II/2015 so với cùng kỳ năm trước của một
số doanh nghiệp BĐS. (Nguồn: BCTC quý 2)
Điều đáng nói là, trong khi nhiều doanh nghiệp BĐS đang vướng phải khó khăn do nợ thuế và không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng thì Nhà Từ Liêm lại có cơ cấu tài chính tới quý II/2015 rất tốt, so với đầu năm số dư tiền mặt đã tăng gấp đôi (88 tỷ đồng lên 157 tỷ), nhất là hoàn toàn không có nợ vay.
Biểu đồ hệ số nợ vay/tổng tài sản cuối quý II/2015 của một số doanh nghiệp
địa ốc. (Nguồn: BCTC quý 2)
Trong điều kiện nguồn cung căn hộ cao cấp đang khan hiếm, Nhà Từ Liêm đang có cơ hội chiếm lĩnh phân khúc biệt thự và nhà liên kế cao cấp. Ngoài ra, các dự án cung cấp dòng sản phẩm tương tự như Vinhome Riverside hiện đã hết hàng, trong khi đó dự án Ecopark mới trong giai đoạn triển khai.
Hiện tại, những yếu tố góp phần tạo nên sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường BĐS Việt Nam là: Sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, dòng vốn ngoại, sửa đổi luật nhà ở,... Đã có hàng loạt các quỹ đầu tư đã rót vốn vào thị trường BĐS trong nửa đầu năm 2015, đơn cử như Creed Group đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment, hoặc Keppel Land đầu tư 7 triệu USD vào Nam Long, hay VinaCapital và Dragon Capital cũng đang đẩy mạnh việc giải ngân vào các dự án của Khang Điền…
Nhờ vậy, thanh khoản thị trường BĐS tăng mạnh, đã có khoảng 18,000 căn hộ được thị trường Tp.HCM hấp thụ trong 6 tháng đầu năm nay. Theo giới chuyên gia, câu chuyện thực ra chỉ mới bắt đầu và sẽ không bao lâu nữa chúng ta sẽ thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của các "ông lớn" BĐS Việt Nam.
(Vietstock)