Nhiều doanh nghiệp muốn được đầu tư khai thác bến Bạch Đằng bởi vị trí đắc địa bên sông Sài Gòn. Nơi đây kỳ vọng sẽ có một trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất thành phố.
Bến Bạch Đằng khá hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát đã đề xuất xin UBND Tp.HCM xem xét cho được nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư dự án Khu công viên Cảng du lịch Bạch Đằng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp.
Đơn vị sẽ nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đầu tư dự án trên với diện tích quy hoạch 17,08 ha, diện tích trên mặt đất chiếm 7,02 ha và diện tích mặt nước là 10,06 ha.
Công trình gồm các hạng mục như trung tâm thương mại ngầm, công viên, bãi đậu xe ngầm, bến tàu, hệ thống giao thông kết nối ngoại vi, bến du thuyền du lịch đường sông...
Sau khi đầu tư hoàn chỉnh phần hạ tầng kỹ thuật, doanh nghiệp hứa phối hợp cùng các cơ quan chức năng của TP tổ chức nghiệm thu và đưa vào khai thác sử dụng theo đúng quy định hiện hành.
Mặt khác, doanh nghiệp còn xin được xem xét chấp thuận đầu tư kinh doanh phần trung tâm thương mại ngầm, bãi đậu xe ngầm và khai thác các gian hàng ẩm thực, phục vụ du khách ngay bên trong khu công viên của dự án tương lai.
Nhận thấy tiềm năng của "khu đất vàng" trên từ rất sớm, vừa qua, Công ty TNHH A&B cũng đã gửi văn bản xin TP tiếp tục cho được quy hoạch, cải tạo, đầu tư xây dựng mới công viên cảng Bạch Đằng.
Hồi đầu năm 2014, Công ty A&B cũng đã xin cải tạo công viên và đề xuất Tổng công ty Saigontourist cùng tham gia. Sau khi Saigontourist được TP giao chủ trương đầu tư cảng công viên Bạch Đằng và A&B được ủy quyền lên ý tưởng, quy mô kiến trúc đầu tư quy hoạch để ký hợp đồng với đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế nghiên cứu tư vấn sao cho phù hợp với quy hoạch 1/2.000 đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Đơn vị này cho biết, do quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, chậm phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nên đến tận tháng 4/2015 cả 2 công ty mới thực hiện xong việc bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Sở Quy hoạch Kiến trúc có tờ trình cho ủy ban phê duyệt dự án.
Vào đầu năm 2015, theo quyết định của UBND Tp.HCM, kể từ ngày 30/4/2015, mọi hoạt động tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, ca nô du lịch… hoạt động tại bến Bạch Đằng (Q.1) phải di dời về những khu vực khác để phục vụ việc cải tạo chỉnh trang lại bến Bạch Đằng theo quy hoạch của TP. Nơi đây kỳ vọng sẽ có một trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất Sài Gòn với nhiều tiện ích và có cả bến du thuyền đang được đề xuất xây dựng.
Sang 2016, nhằm đẩy mạnh tiến độ này, Thành ủy và UBND Tp.HCM đã có chủ trương giao lại cho UBND Q.1 là đơn vị chủ trì quản lý công viên Cảng Bạch đằng để kêu gọi đầu tư. Đây đang là mảnh đất vàng khá “màu mỡ” nên rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia và liên tục gửi công văn lên Thành ủy, UBND TP xin phép, tuy nhiên tới nay vẫn chưa được thông qua.
Khu đất vàng bến Bạch Đằng nằm tại số 2 đường Tôn Đức Thắng, Q.1, Tp.HCM, bao gồm bến cảng và công viên Bạch Đằng có tổng chiều dài 1.325m, dọc ven sông Sài Gòn, có tổng diện tích 23.400m2, là điểm tập trung nhiều người dân muốn ngắm cảnh đêm Sài Gòn. Khu vực này đã được cải tạo, chỉnh trang và tu bổ nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Tp.HCM.
Khu bến cảng kết hợp với các dịch vụ nhà hàng nổi, du lịch đường sông cùng nhiều dịch vụ tiện ích công cộng khác hiện đã trở thành một điểm đến vui chơi giải trí, tham quan cho du khách cũng như người dân nơi đây. Cạnh bến Bạch Đằng là bến Nhà Rồng và trụ sở thương cảng của Sài Gòn với kiến trúc độc đáo đã trở thành tam giác du lịch cho du khách khi đến Tp.HCM.
(Tiền phong Online)