Nhiều chuyên gia phân tích trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) cho biết, Việt Nam được bình chọn là thị trường địa ốc được ưa chuộng nhất trong khu vực, là thị trường được kỳ vọng sẽ đạt kết quả hoạt động tốt nhất trong năm 2016 vượt qua Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore và Myanmar.
Lượng kiều hối chảy vào thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2015 tăng 17% cho tất cả các phân khúc, theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Các thành phố lớn và các địa phương có thế mạnh về du lịch đều đón lượng kiều hối lớn nhất. Lượng kiều hối đổ vào thị trường Hà Nội và Tp.HCM tăng lần lượt là 24% và 29%, được cho là tương đối cao so với các lĩnh vực đầu tư khác.
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá của công ty Cushman & Wakefield, ông Jonathan Tizzard cho rằng, trên thị trường BĐS Việt Nam có nhiều thương vụ từ các công ty trong nước đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng và thực sự họ đang chiếm lĩnh thị trường trong thời gian gần đây.
Song, các quy định mới về BĐS và các chính sách ưu đãi từ Chính phủ cũng như chính quyền địa phương đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào phân khúc này.
Do đó, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu lựa chọn đầu tư vào Việt Nam bởi viễn cảnh lợi nhuận đầy hứa hẹn. Doanh nghiệp địa ốc trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh về vốn, chất lượng, thiết kế và quản lý xây dựng.
Các công ty nghiên cứu thị trường khác như Savills và CBRE cũng chung nhận định trên, nếu có tiền đầu tư dài hạn, nhà đầu tư có thể xem xét BĐS nghỉ dưỡng để xuống tiền.
Tại Việt Nam, BĐS nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh mẽ.
Địa chỉ được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhất hiện nay là Phú Quốc, theo sau là Đà Nẵng và cuối cùng là thị trường Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) mởi nổi.
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thuộc công ty CBRE Việt Nam, bà Dương Thùy Dung đánh giá: "Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam rất giàu tiềm năng. Không ít quốc gia trong khu vực ASEAN đã thành công với mô hình đầu tư này, đây là thời điểm họ chuyển tầm ngắm và dòng vốn của mình vào những thiên đường du lịch của Việt Nam để đầu tư".
Tổng giám đốc Tập đoàn Tanzanite International (đơn vị đang chọn Hồ Tràm của Vũng Tàu để đầu tư một dự án khu phức hợp nghĩ dưỡng trị giá gần 500 triệu USD) ông Hồ Vĩnh Tuấn nhận định, hiện có trên 7.500 khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao ở Nha Trang và Đà Nẵng mở đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch hằng năm ở mỗi nơi.
Tuy chỉ có khoảng 800 khách sạn 5 sao từ Phan Thiết đến Vũng Tàu nhưng khu vực này lại đón hơn 20 triệu lượt khách du lịch hằng năm.
Theo ông Tuấn: "Điều này là minh chứng rõ ràng cho sự lệch pha cung - cầu trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Hồ Tràm là một nơi có vị trí rất thuận lợi, cách Tp.HCM khoảng 90 phút đi xe với không gian biển tuyệt đẹp không thua gì Phú Quốc, vì thế chúng tôi chọn địa danh này. Đây sẽ là địa điểm sẽ có sự bùng nổ về dự án nghỉ dưỡng trong thời gian tới".
Trong khi đó, ông Rudolf Hever, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản Alternaty cho biết, năm 2016 được kỳ vọng sẽ là một năm lạc quan cho ngành BĐS Việt Nam. Trên tất cả các phân khúc như khu dân cư, phân khúc khách sạn và cả ngôi nhà thứ hai, nhiều dự án sẽ tiếp tục được ra mắt. Tỷ suất bán hàng sẽ ở mức kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư vẫn ở mức cao.
Ông Hever đánh giá: "Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam luôn trở nên sôi động và mang đến những cơ hội mới. Đây cũng là lý do tại sao thị trường này chỉ dành cho các chủ đầu tư dũng cảm, táo bạo, dám đương đầu với rủi ro và ứng phó được với những biến động mạnh trên thị trường".
(Trí thức trẻ)