Thông tin thị trường

BĐS Hà Nội dần trở về giá trị thực?

28/11/2017 - 08:25

Hiện giá bán BĐS đã giảm 40 - 50% so với thời điểm “sốt” cách đây 10 năm. Theo nhận định của các chuyên gia, BĐS Hà Nội đang gần trở về giá trị thực.

Hiện nay, trên thị trường BĐS Hà Nội có hơn 20.000 căn hộ đang được chào bán. Mới đây, TP cũng đã phê duyệt dự án xây dựng khu NOXH có diện tích 45 ha với quy mô dân số vào khoảng 12.500 người tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Do nguồn cung đang rất dồi dào, trong khi sức hấp thụ của thị trường vẫn thấp nên giá căn hộ tại thị trường này đang có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn còn quá cao so với thu nhập của đa số người lao động.

Với thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng, sau gần 10 năm tích góp, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn (quê ở Thái Bình, đang làm việc tại quận Thanh Xuân) mới chỉ tiết kiệm được 400 triệu đồng. Vợ chồng anh đang tìm mua căn hộ có giá khoảng 1 tỷ đồng để mua theo hình thức trả góp.

Tuy nhiên, loại căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 lại thường ở xa trung tâm khoảng 10km, cộng thêm với việc phải trả lãi suất vay của Ngân hàng với mức hơn 10%/năm khiến cho dự định mua nhà của vợ chồng anh Tuấn gặp rất nhiều khó khăn.

“Căn hộ ở xa trung tâm TP từ 10-12km hiện cũng có giá từ 15-18 triệu đồng/m2. Nếu cách trung tâm khoảng 6 - 7km thì giá bán phải lên đến 20-22 triệu đồng. Mức giá này đang cao so với mặt bằng chung của thu nhập của người dân. Với thu nhập của chúng tôi và mức sống ở thành phố này, việc tích cóp được 1 tỷ đồng là cực kỳ khó khăn”, anh Tuấn nói.

Chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội trong quý III vừa qua đạt 106,1 điểm, giảm 1 điểm so với quý II và giảm 2 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán trung bình là 27,5 triệu đồng/m2. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường hiện đạt 28%. Lượng giao dịch của TP đạt hơn 6.000 căn, trong đó, căn hộ hạng B có lượng giao dịch tốt nhất, chiếm 42% trong tổng số giao dịch của toàn thị trường.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các doanh nghiệp, giá BĐS ở Hà Nội trong thời gian tới khó có thể giảm. Hiện giá đã giảm 40 - 50% so với thời điểm “sốt” cách đây 10 năm, đang gần về giá trị thực. Với chi phí đầu tư của phân khúc nhà ở thương mại giá thấp, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng không còn được như trước đây, chỉ 10 - 20%.

Giá BĐS
Giá BĐS tại Hà Nội vẫn còn rất cao so với thu nhập của người lao động.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, để thúc đẩy phân khúc BĐS nhà ở thương mại giá thấp, Nhà nước cần nghiên cứu để đưa ra gói hỗ trợ tương tự như gói 30.000 tỷ đã dành cho phân khúc này bởi đây là phân khúc phục vụ cho người dân có nhu cầu ở thực.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, mức giá BĐS hiện nay ở nước ta, cụ thể là tại 2 TP lớn là Hà Nội và Tp.HCM nhìn bên ngoài thì có vẻ ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế thì hệ số thu nhập của người dân so với BĐS còn rất cao, tương đương với khoảng 12-15% tùy từng phân khúc (tại các nước phát triển ổn định, tỷ lệ này khoảng chỉ từ 2-4%), chỉ số này chưa bao giờ là phù hợp với thu nhập của người lao động. Theo ông Võ, khi Nhà nước đánh thuế cao, giá BĐS sẽ hạ xuống thấp và ngược lại. Vì vậy, cần đánh thuế đất cao hơn mức 0,03% như hiện tại.

“Các nước công nghiệp phát triển thường đánh thuế đất ở mức 1% giá thị trường, nhưng ở Việt Nam mới chỉ đánh thuế ở mức 03% giá quy định của Nhà nước. Với mức thuế suất này quá thấp như thế này thì hầu như không có tác động gì vào doanh nghiệp hoặc người dân đang nắm giữ BĐS”, ông Võ cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường BĐS nước ta đang phát triển rất tích cực. Nhiều cơ chế, chính sách phát triển NOXH cho người thu nhập thấp và công nhân các KCN đã và đang được triển khai.

Hiện nay, thị trường BĐS phát triển tốt cả về giá cả, tính thanh khoản, lượng giao dịch và chất lượng sản phẩm. Cơ cấu sản phẩm BĐS cũng được điều chỉnh từng bước để phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thị trường BĐS nước ta cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Bộ Xây dựng cần tham mưu cho Chính phủ để hoàn thiện chính sách, văn bản pháp luật, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không còn hợp lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần có phương hướng xử lý hiệu quả và kịp thời đối với những dự án lớn (quy mô trên 1.500 căn hộ), còn bất cập về cơ chế bồi thường, GPMB, sử dụng quỹ đất còn lãng phí. Trong đó, chúng ta cần tập trung nguồn lực hỗ trợ cho những dự án NOXH đang gặp khó khăn.

“Nguồn vốn cấp bù lãi suất, cấp trực tiếp cho người vay đang phụ thuộc vào tiến độ phân bổ ngân sách trung hạn giai đoạn 206-2021 nên rất chậm. Bộ Xây dựng cũng đã nắm được tình hình thực tế là có nhiều dự án đang triển khai gặp rất nhiều kho khăn, kể cả từ phía nhà đầu tư và khách hàng. Do đó, Bộ sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ và đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới”, ông Ninh nói.

Báo cáo của Bộ Xây Dựng cho thấy, diện tích nhà ở trung bình hiện nay là 20m2/người, tương lai là 30m2/người. Mục tiêu đến 2020 - 2025 sẽ đạt tới 45%. Tiêu chuẩn này khó có thể đạt được ở Hà Nội nếu không có nguồn lực hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp và xa hơn nữa là đưa BĐS dần trở về giá trị thực./.

(VOV)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm