Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc Luật Nhà ở vừa được Chủ tịch nước ký lệnh công bố (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), trong đó mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam sẽ tạo một cú hích cho thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Trần Nam chia sẻ về những thay đổi mới của hai đạo luật liên quan đến bất động sản
- Quốc hội đã từng ban hành Nghị quyết 19/2008/QH12 về thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở, tuy nhiên nghị quyết này dường như không mấy tác động tới thị trường bất động sản. Theo ông đâu là nguyên nhân?
Giai đoạn 2007-201, thị trường bất động sản phát triển nóng, thậm chí cả người trong nước muốn mua căn hộ chung cư cũng phải nhờ vả, có mối quan hệ đặc biệt hoặc phải trả tiền chênh lệch. Trong thời kỳ này, Quốc hội vẫn quyết định thí điểm việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, để thể hiện quan điểm muốn làm bạn, và Việt Nam là điểm đến thân thiện với các cá nhân và tổ chức nước ngoài muốn đến sinh sống và làm việc.
Khi đó, vì người trong nước cũng gặp khó khăn trong việc mua nhà, nên Quốc hội chỉ cho phép một số đối tượng nước ngoài được mua nhà ở, đó là các cá nhân nước ngoài có đóng góp cho Việt Nam và được tặng thưởng huy chương, huân chương; cá nhân đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; có kỹ năng, kiến thức đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu... Tất cả các đối tượng này được phép cư trú từ một năm trở lên và chỉ được mua một căn hộ chung cư để ở tại các dự án phát triển nhà ở, nhưng không được thế chấp, cầm cố, kinh doanh hoặc cho thuê…
- Vậy chính sách cởi mở này đã mang lại kết quả như thế nào?
Trong 5 năm triển khai Nghị quyết 19/2008/QH12, chỉ khoảng 200 trường hợp người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, trong đó nhiều người là Việt kiều phải mua nhà ở như người nước ngoài do không còn quốc tịch Việt Nam. Việc người nước ngoài rất khó tiếp cận thị trường bất động sản là do quy định của chúng ta quá chặt, khi chỉ phép cho họ mua một căn hộ chung cư để ở và trong 12 tháng, kể từ thời điểm hết thời hạn sở hữu nhà ở, họ phải bán hoặc tặng cho.
- Vậy liệu có quá chủ quan khi dự đoán rằng Luật Nhà ở sửa đổi sắp tới sẽ tạo ra cú hích cho thị trường bất động sản?
Kể từ ngày 1/7/2015, người nước ngoài được phép nhập cảnh được quyền mua và sở hữu nhà ở gần như bình đẳng với người Việt Nam. Không chỉ riêng căn hộ chung cư, họ còn được phép mua mua nhà đất, biệt thự, nhà liền kề, tại các dự án phát triển nhà ở. Hơn nữa, Luật Nhà ở còn cho phép người nước ngoài không chỉ có quyền sử dụng nhà ở đã mua, mà còn có thể cho thuê, cầm cố, kinh doanh, thế chấp…
Tôi tin rằng với những quy định cởi mở như vậy, sẽ có rất nhiều người nước ngoài muốn mua nhà với mục đích không chỉ để ở, mà còn để cho thuê, kinh doanh. Hiện có hàng chục ngàn người nước ngoài tại Việt Nam muốn mua nhà và họ sẽ tiến hành việc mua nhà ngay khi Luật Nhà ở có hiệu lực. Đây là cơ sở để tin rằng, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc.
- Vấn đề là, Luật vẫn hạn chế người nước ngoài không được sở hữu quá 250 nhà ở riêng lẻ/địa bàn cấp phường, không quá 30% số lượng căn hộ/tòa nhà chung cư, và thời gian sở hữu không quá 50 năm?
Không phải vô cớ khi Bộ Xây dựng kiến nghị hạn chế số lượng nhà ở thuộc mà người nước ngoài sở hữu cũng như giới hạn thời gian sở hữu nhà ở của đối tượng này, mà chúng tôi đã có sự tham khảo chính sách nhà ở của rất nhiều nước khác trên thế giới. Hầu hết các quốc gia khác đều khống chế về số lượng và thời gian sở hữu nhà ở thuộc sở hữu của người nước ngoài để bảo đảm việc quản lý hành chính, tránh việc hình thành các khu tập trung đông người nước ngoài, hoặc các khu phố ngoại kiều dễ dẫn đến phức tạp về trật tự, an ninh và an toàn xã hội.
Cũng cần nói thêm rằng, hết thời gian sở hữu 50 năm, nhà ở do người nước ngoài mua sẽ trở thành tài sản nhà nước.
- Một vấn đề khác, là làm sao biết được trong khu chung cư hoặc khu vực hành chính nào đó có bao nhiêu nhà ở thuộc sở hữu của người nước ngoài và nếu họ sở hữu 30-40 năm rồi bán lại cho người trong nước thì hướng giải quyết thế nào?
Chính phủ sẽ quy định chi tiết về nội dung này trên tinh thần chỉ cho phép người nước ngoài mua nhà ở tại các dự án đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị mà thôi, tức là họ chỉ được mua nhà ở từ pháp nhân, không được mua tại những khu vực nhạy cảm, đặc biệt tại những khu vực liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Với quy định như vậy, các chủ đầu tư phát triển khu đô thị và nhà ở sẽ biết mình được quyền bán cho người nước ngoài bao nhiêu căn hộ. Hơn nữa một điều chắc chắn rằng, trước khi mua nhà ở, người nước ngoài đều tìm hiểu nơi họ định mua có còn “room” không, nếu không còn thì chắc chắn họ không mua hoặc thuê mua vì sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và các giấy tờ quản lý hành chính khác.
Sau một thời gian sở hữu, sử dụng, nếu không có nhu cầu, người nước ngoài có thể bán hoặc cho người nước ngoài khác thuê, nhưng phải đảm bảo khống chế về số lượng nhà ở thuộc sở hữu của người nước ngoài trong một tòa chung cư hay đơn vị hành chính cấp phường. Người sử dụng sau đó, dù là người trong nước hay người nước ngoài vẫn sẽ bị khống chế thời gian sử dụng nhà ở không quá 50 năm.
(Báo Đầu tư)