Theo thống kê mới nhất đối với phân khúc bất động sản hạng sang của TP. Hà Nội, trong 16 dự án của 11 chủ đầu tư được tiến hành kiểm tra với khoảng 2.684 căn biệt thự, thì có tới gần 698 căn, chiếm khoảng 35% đang trong tình trạng bỏ hoang.
Nhiều biệt thự tại Hà Nội xây xong không có người nhận (Ảnh minh họa)
Con số này vẫn chưa nói lên thực trạng của câu chuyện, bởi số lượng mẫu điều tra quá ít. Theo tính toán của Savills Việt Nam, hiện phân khúc biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội có tới 128 dự án, với khoảng 42.700 căn. Nguồn cung trong tương lai của phân khúc này còn đến từ 86 dự án, với tổng diện tích 11.500 ha, nằm rải rác tại 15 quận, huyện thành phố.
Hiện tại, không khó để đưa ra dẫn chứng về hàng trăm căn biệt thự đã hoàn thiện nhưng vẫn nằm phơi nắng, phơi mưa nhiều năm liền tại các dự án như Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, Khu đô thị Văn Phú, Splendora, Nam An Khánh - Geleximco, (Hà Đông, Hà Nội), Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh, Lideco (huyện Hoài Đức)...
Một chủ đầu tư ở Khu đô thị Quang Minh (huyện Mê Linh)than thở về một nghịch lý: “trong khi có nhiều dự án chậm tiến độ bị người mua kiện cáo đòi nhà, thì dự án của chúng tôi dù đã xây xong nhưng không ai tới nhận nhà”.
Nhưng đây lại là một nghịch lý… có lý. Có rất nhiều lý do của sự ế ẩm này và theo một quan điểm phổ biến, đây là hệ quả của một giai đoạn các đại gia địa ốc đã quá kỳ vọng vào nhu cầu “ảo” mang tính chất đầu cơ hơn là nhu cầu ở thực tế của người dân. Và đã là nhu cầu ảo thì giá cả lại càng đắt đỏ, sản phẩm càng phải hoành tráng, chủ đầu tư sẽ càng có cửa… một vốn bốn lời!
Khi nền kinh tế bước vào thời kỳ phải “thắt lưng buộc bụng”, thì những nhu cầu xa xỉ cũng đứng đầu trong danh sách cần thắt hầu bao. Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi bất động sản hạng sang, biệt thự nhà liền kề rơi vào tình trạng ảm đạm và trong tương lai cũng được nhận định còn đóng băng dài dài.
Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy!
Câu chuyện mới nhất khiến thị trường xôn xao là hai dự án hạng sang của Vingroup ở hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là: Vinhomes Central Park, Tp.HCM và Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội . Phải rất lâu rồi người ta mới chứng kiến cảnh khách hàng xếp hàng để chờ xem các căn hộ mẫu cho khỏi lộn xộn.
Ngay sau khi Vinhomes Central Park giới thiệu sản phẩm, có khoảng trên dưới 20 nhà môi giới tìm đến chọn đặt văn phòng môi giới địa ốc tại những vị trí ven dự án này.
Đơn giản là vì họ nhìn thấy cửa kiếm tiền!
Trong một câu chuyện khác, trao đổi với phóng viên, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh Group cho biết, tại Dự án D’. LE PONT D’ OR Hoàng Cầu - được định vị thuộc phân khúc siêu sang, có khách hàng đến chọn liền một lúc hai căn hộ hơn 400 m2/căn và sẵn sàng bù thêm tiền để lấy được căn ưng ý liền nhau, tuy nhiên đã có người khác chọn mất.
Lại nói thêm về các dự án biệt thự ven đô Hà Nội. Vừa qua tại lễ khởi công xây dựng Khu dịch vụ thuộc Dự án Biệt thự cao cấp Xanh Villas (Thạch Thất), ông Tô Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Bất động sản Xuân Cầu cho biết, dự án của ông vẫn không điều chỉnh giá dù thị trường có ở trong giai đoạn khó khăn nhất.
Ngược lại, khi thị trường ở thời điểm sôi động nhất, quan điểm của chủ đầu tư này là vẫn không phân lô bán nền dù được phép, thay vào đó ông muốn xây dựng một khu dân cư hoàn thiện, một sản phẩm có đủ tiện ích với hạ tầng, cảnh quan và chú trọng đặc biệt đến yếu tố không gian sống cho người sử dụng. Đồng thời, như ông Dũng thừa nhận, từ trước đến nay việc bán hàng tại Xanh Villas vẫn hơi… bảo thủ. Nghĩa là chủ đầu tư muốn trực tiếp phân phối sản phẩm đến người sử dụng sau cùng.
Lý do là vì đặc thù phân khúc biệt thự không có nhiều sản phẩm, nên chủ đầu tư muốn trực tiếp chăm sóc từng khách hàng của mình. Ví dự như Dự án Xanh Villas có khoảng 500 căn biệt thự, đến nay đã bán được gần 200 căn, như vậy chỉ còn hơn 300 căn và chủ đầu tư hoàn toàn có cơ sở để bán hàng trực tiếp.
Ông Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của một dự án bất động sản là phải làm cách nào hình thành được một cộng đồng dân cư. Mọi nỗ lực của chủ đầu tư đều phải hướng tới mục tiêu này, không riêng là bán được hàng.
Như vậy có thể kết luận rằng với phân khúc cao cấp như biệt thự, vấn đề lớn nhất không phải là giá. Khách hàng tìm đến với các dự án của Xuân Cầu, của Vingroup, hẳn không phải để tìm kiếm một dự án rẻ! Vậy thì khó có thể nói rằng, dân đang thiếu tiền mua nhà. Chỉ có điều, chỗ thiếu thì vẫn thiếu, còn chỗ thừa cứ thừa thôi mà thôi.
(Báo Đầu tư)