Tháng 5 (âm lịch) hàng năm là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi nên rất dễ phát sinh dịch bệnh, tổn thương nguyên khí. Bạn có thể tham khảo những mẹo phong thủy dưới đây để tránh tà khí, mang lại sức khỏe cho gia đình.
Tết Đoan ngọ là thời điểm dương khí quá vượng nên uống nuớc trà hoặc các thức
uống mát để tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Tết Đoan ngọ là gì?
'Đoan' có nghĩa là mở đầu, 'Ngọ' là giữa trưa, Đoan ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa. 'Dương' là mặt trời, là khí dương,' Đoan dương' nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết này được gọi là Tết Đoan ngọ bởi tháng Năm là tháng bắt đầu nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa.
Phương Nam là chính Ngọ, mà Ngọ là ngôi dương nên tết này là Tết Đoan dương. Tháng Năm lại là tháng Ngọ trong một năm.
Người Trung Hoa còn gọi Tết Đoan ngọ là Tết Trùng ngũ hay Đoan ngũ.
Sách 'Tuế thời lạp ký' có ghi, Trùng ngũ là hai số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng Năm. Ngày xưa ở kinh kỳ, người ta gọi ngày mồng 1 tháng Năm là Đoan nhất, ngày mồng 2 là Đoan nhị, ngày mồng 3 là Đoan tam, ngày mồng 4 là Đoan tứ và ngày mồng 5 là Đoan ngũ.
Mẹo phong thủy xua tan tà khí
Treo thần phù
Theo phong thủy, trong Tết Đoan ngọ, gia chủ nên treo Thần Chung Quỳ Phù trên cửa để xua tan sát khí trong nhà, nhờ đó bạn sẽ thấy thư thái và thoải mái hơn.
Treo lá ngải hoặc xương rồng
Treo phía trên cửa ra vào một nắm lá ngải cứu hoặc nhánh xương rồng để giúp ngăn chặn tà khí đi vào nhà. Lưu ý là, cần treo trước giờ Ngọ ba khắc để đạt hiệu quả cao nhất.
Đặt ngải trong nhà
Bạn có thể đặt một vài lá ngải trong nhà ở hoặc ở văn phòng công ty, chúng sẽ có tác dụng xua tan tà khí. Mặt khác, bạn cũng có thể mang theo một chút lá ngải bên mình cũng rất có hiệu quả.
Đeo dây cát tường
Dùng sợi chỉ nhiều màu sắc kết thành một sợi dây dài để treo trên cửa chính, đeo trên cổ hoặc cánh tay, cũng có thể treo ở cạnh nôi nếu trong nhà có trẻ con để giúp phòng tránh được tai ương, an khang, gia tăng tuổi thọ.
Mang túi hương (nhang) theo người
Không chỉ trong Tết Đoan ngọ mà trong cả ngày thường, bạn nên mang theo một chút hương bên người để phòng bệnh và trừ tà. Nguyên liệu làm hương có chứa phấn hùng hoàng, có tác dụng xua tan âm khí. Mùi hương dễ chịu cũng sẽ làm cho tinh thần trở nên thư thái hơn, giúp gia tăng vận thế.
Tẩy trừ tà khí
Ngải cứu, bồ kết, bạch ngọc lan, lá bưởi, hương nhu, gừng, sả, vông mã đề… có tác dụng rất tốt trong việc phòng bệnh. Bạn nên đun một nồi nước gồm các loại thảo mộc trên để cả nhà cùng tắm rửa, vừa phòng được bệnh ngoài da vừa xua tan được tà khí, giúp cơ thể sảng khoái hơn.
Đốt ngải
Bạn nên sử dụng một chút lá ngải đã được phơi khô từ trước đó và đốt lên trong ngày Tết Đoan ngọ. Dù là phòng khách hay phòng ngủ, đốt lá ngải sẽ tạo ra mùi hương dễ chịu, vừa có tác dụng xua ma đuổi quỷ. Nhưng khi thực hiện cần chú ý vấn đề an toàn cháy nổ.
Ngoài ra, trong ngày Tết Đoan ngọ bạn nên ăn các loại thực phẩm đủ ngũ sắc để chế sát, trừ độc.
Nhà ai đang có người ốm, trong ngày này nên phóng sinh sẽ có hiệu quả cao hơn ngày thường rất nhiều.
Xuất hành trong ngày này nên tránh xa nơi tổ chức tang lễ, bệnh viện, không dừng chân ở những nơi âm u bởi các nơi này Âm khí quá nặng, dễ chiêu tà khí, bệnh tật.
Trường hợp vận thế đang không thuận, sức khỏe không tốt, có thể dùng thêm cành đào hoặc gỗ đào để trừ ách trong Tết Đoan ngọ.
Tết Đoan ngọ cũng là thời điểm dương khí quá vượng, bạn nên uống nuớc trà hoặc các thức uống mát để tốt cho sức khỏe.
(Báo Xây dựng Online)