Theo nguyên tắc 'tọa hung' thì khu vệ sinh nên đặt vào các hướng xấu, những hướng bất lợi về khí hậu và phối hợp được Ngũ hành âm dương. Nhưng phòng ngủ và phòng vệ sinh phải riêng biệt để tránh những điều xui xẻo đến với gia chủ.
Không nên thiết kế kèm phòng vệ sinh trong phòng ngủ. (Ảnh minh họa).
Đôi khi, để tiết kiệm không gian hoặc cũng có thể vì mong muốn tiện lợi cho chủ nhân, nhiều khi cửa nhà vệ sinh lại nhìn thẳng với giường nằm nữa. Kiểu phòng ngủ này về mức độ nào đó phù hợp với nhu cầu thị trường và rộ lên một thời là 'mốt' trong sinh hoạt của nhiều người.
Chúng ta đều biết, phòng vệ sinh có hai chức năng, là nơi đi vệ sinh và tắm giặt. Dù vai trò là 'nhà vệ sinh' hay 'nhà tắm' thì Ngũ hành đều thuộc Thủy. Hiện nay, nhà vệ sinh đã khác thời xưa, nơi vốn nhớp nháp ô uế trở thành nơi rất hào hoa thoải mái, tuy nhiên không vì thế mà làm thay đổi công dụng, bản chất của nó, nơi thải bỏ nước bẩn và cặn bã.
Theo quan điểm của phong thủy truyền thống, phòng vệ sinh là nơi âm khí tương đối nặng nề, cũng là nơi sản sinh không khí ô nhiễm. Dù về mặt nào đi nữa, một khi bạn xử trí không thích đáng, sẽ tự phát nhiều loại bệnh tật như tâm thần, não, nội tạng và tủy sống.
Mặt khác, nhà vệ sinh là nơi luôn ẩm thấp khi tắm, đặc biệt là khi tắm nước nóng, xông hơi, hơi nước bốc lên mờ mịt. Nếu phòng ngủ liên phòng với nhà tắm, thể khí ẩm ướt này sẽ xộc ra phòng ngủ làm cho giường đệm, mền mùng hấp thụ hơi nước sẽ ẩm ướt, nấm mốc khiến khi ngủ ta cảm thấy khó chịu. Về lâu dài, người ngủ trong phòng sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, lưng đau, nhưng tìm nguyên nhân cụ thể không biết do đâu, thậm chí còn dẫn tới bênh tật đường tiết niệu.
Trong trường hợp phòng ngủ của bạn đang ở dạng 'căn hộ khép kín' như vậy thì phải khắc phục bằng một số cách sau:
Đặt mấy bồn cây cảnh lá xanh, lá to trong nhà vệ sinh có tác dụng hấp thu bớt khí ô uế.
Nếu có điều kiện và diện tích phòng ốc đủ rộng nên đặt tấm bình phong hoặc tủ cao, rộng ngăn cách giữa cửa nhà vệ sinh với phòng ngủ.
Bên cạnh đó, khi thiết kế người ta thường nhớ đến sự phối hợp giữa các gian phòng trong cùng một tầng mà lại quên mất mối quan hệ giữa các tầng. Trường hợp nhà vệ sinh nằm trên phòng ngủ thì trạch tướng vô cùng nguy hại, gia chủ sẽ bị giảm sút sức khỏe. Nguyên lý 'gia tướng học' Trung Quốc cổ truyền cho rằng, nền nhà vệ sinh không được cao hơn phòng ngủ vì nước chảy xuống dưới làm ẩm kết cấu bên dưới, lâu dài phòng ngủ bị ẩm thấp dễ phát sinh các bệnh hệ thống nội tiết. Bạn nên thiết kế kéo rộng khoảng cách với phòng ngủ nếu nhất thiết phải thiết kế trên lầu.
(Báo Xây dựng Online)