Hỏi: Gia đình tôi mua của ông Nguyễn Văn Lễ một mảnh đất rộng 130m2 vào năm 1998, mua bằng giấy tay và có xác nhận của trưởng ấp. Đến ngày 11/7/2008, mảnh đất này đã được UBND huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cấp sổ đỏ do tôi đứng tên.
Tới năm 2010, ông Nguyễn Văn Hoàng lấn chiếm phần đất của tôi và nhờ người thân của mình (là chủ tịch và cán bộ địa chính xã Bàu Hàm 2) làm sổ đỏ để hợp thức hóa phần đất lấn chiếm và chồng lên phần đất của tôi 20m2. Hiện tôi đã khởi kiện ra tòa án, tuy nhiên hai cấp tòa sơ thẩm và gần đây nhất là ngày 27/5/2015, tòa phúc thẩm đã tuyên tôi thua kiện. Tôi nghĩ, tòa án đã xét xử không công bằng.
Vậy xin hỏi, trong trường hợp này tôi phải làm như thế nào?
Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Tư (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực
pháp luật của tòa án các cấp (Ảnh minh họa, nguồn: Vnexpress)
Trả lời:
Theo những thông tin mà ông cung cấp cùng hồ sơ kèm theo cho thấy, việc trình bày của ông là có cơ sở. Theo đó, phán quyết của tòa án 2 cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Căn cứ theo Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi kết luận trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án hoặc bản án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Điều 285 BLTTDS quy định, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp. Theo quy định, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Vì vậy, ông cần làm đơn khiếu nại (kèm theo hồ sơ, bản án) gửi đến các địa chỉ trên để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi
(Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online)