Hỏi: Bác trai tôi không có con và vợ bác đã mất cách đây 2 năm. Khi bác lâm bệnh nặng và bị mất trí nhớ, một người cháu của bác đã nhờ người làm di chúc để được hưởng lại căn nhà của bác. Tôi muốn hỏi, di chúc làm trong hoàn cảnh đó có hợp pháp không? Nếu bác tôi không có di chúc thì tài sản của bác sẽ được xử lý ra sao?
Trần Thị Thơm
(huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)
|
Di chúc thừa kế sẽ là không hợp pháp nếu người lập di chúc không được sáng suốt, minh mẫn |
Trả lời:
Theo quy định của Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2005, di chúc được coi là hợp pháp cần đủ các điều kiện như sau: Người lập di chúc trong khi lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt; không bị đe dọa, lừa dối hay cưỡng ép; nội dung của di chúc không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; bên cạnh đó hình thức di chúc cũng không trái quy định pháp luật. Nếu không có di chúc hay di chúc không hợp pháp, di sản của người chết sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Về trường hợp người bác của chị, di chúc trên rõ ràng là không hợp pháp. Do đó, di sản của bác để lại sẽ phải được chia thừa kế theo pháp luật. Nếu ông không có con; cả cha, mẹ, vợ đều đã mất thì di sản được chia cho hàng thừa kế thứ 2 (gồm có: ông - bà nội, ông - bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông - bà nội, ông - bà ngoại) hoặc hàng thừa kế thứ 3 là: cụ nội, cụ ngoại của người chết; chú ruột, bác ruột, cậu ruột, dì ruột, cô ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là chú ruột, bác ruột, cậu ruột, dì ruột, cô ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại).
Những người thừa kế cùng hàng theo quy định pháp luật được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau sẽ chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó do đã mất, không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi
(Sài Gòn đầu tư tài chính)