Hầm Cù Mông nối liền 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên vừa được chính thức thông xe. Được đầu tư theo hình thức BOT, dự án trọng điểm quốc gia nay do nhà đầu tư và nhà thầu trong nước thực hiện.
Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng cho biết, dự án hầm Cù Mông đã hoàn thành sau hơn 3 năm thi công, không bị đội vốn và vượt tiến độ tới 3 tháng. Để người dân có thêm thời gian trải nghiệm chất lượng công trình, đơn vị sẽ không thu phí kể từ khi thông xe tới Tết Nguyên đán 2019.
|
Sau hơn 3 năm thi công, hầm Cù Mông chính thức được thông xe. |
Đây là dự án đầu tiên trong 4 công trình giao thông trọng điểm quốc gia hoàn thành trong năm 2019. Ba dự án trọng điểm khác gồm cầu Vàm Cống, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và đường sắt Cát Linh.
Sau hầm Hải Vân (hơn 6,28km) và hầm Đèo Cả (trên 4km), hầm Cù Mông là hầm đường bộ dài thứ 3 tại Việt Nam. Hồi tháng 9/2015, dự án được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng từ vốn tiết giảm của hầm Đèo Cả. Chủ đầu tư dự án này là Tập đoàn Đèo Cả.
Theo thiết kế được duyệt, hầm Cù Mông gồm 2 ống ngầm cách nhau tầm 30m. Trong đó, mỗi ống rộng 10m, gồm 2 lần ô tô. Vận tốc thiết kế đạt 80km/h. Được biết, nhà đầu tư khai thác ống phía Tây trong thời gian đầu thông xe, ống còn lại sử dụng để lánh nạn.
Bộ Giao thông Vận tải trước đó đã đưa vào vận hành, khai thác các hầm đường bộ tại khu vực Nam Trung Bộ gồm: hầm Cổ Mã (Phú Yên -Khánh Hòa), hầm Đèo Cả. Tất cả các dự án này đều do nhà thầu, nhà đầu tư trong nước thiết kế, thi công.
(Trí thức trẻ)