Hôm qua (17/3), giá thép bán lẻ trên thị trường tiếp tục 'nhảy múa' với mức giá mỗi nơi mỗi khác. Cụ thể, so với ngày trước đó, giá bán thép cuộn tại cửa hàng sắt thép ĐL (Q.12) ở mức 12,2-12,5 triệu đồng/tấn, đã tăng 400.000 đồng/tấn; trong khi thép cây phi 10 khoảng 11,9-12,35 triệu đồng/tấn (tăng 900.000 đồng/tấn); thép cây phi 16 chừng 11,55-11,77 triệu đồng/tấn (tăng 650.000 đồng/tấn)...
Một số đại lý sắt thép khu vực quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận vẫn duy trì mức giá thép cây dao động từ 10,56-10,93 triệu đồng/tấn, nhưng tăng 0,5-1 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn. Thậm chí, có cửa hàng thông báo không biết khi nào mới có hàng trở lại cho loại thép cây phi 16 của Vina Kyoei.
So với 2 ngày trước, giá thép bán lẻ trong ngày 17/3 đã tăng 13-14%.
(Nguồn ảnh: Hữu Khoa).
Các đại lý cho hay, việc giá thép các loại chênh nhau khá lớn giữa các quận vùng ven với quận nội thành do nguồn hàng 'rót' cho các nơi không đều, hơn nữa do nhu cầu tích trữ từ phía người đầu cơ, người có nhu cầu thực sự...
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết, một số doanh nghiệp sản xuất thép giữ vai trò nguyên đơn như Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên, Thép Miền Nam... đã cam kết với nhau 'trước mắt không tăng giá nữa', cùng đó sẽ có cơ chế phối hợp kiểm soát hệ thống đại lý của từng doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Trước những diễn biến bất ổn trên thị trường thép trong 10 ngày qua, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: “vVệc một số doanh nghiệp sản xuất thép không kiểm soát tốt hệ thống đại lý phân phối của chính mình vẫn là lỗ hổng lâu nay khi thị trường có biến động xảy ra”.
Thế nhưng, theo ông Dũng, các doanh nghiệp thép hoàn toàn có thể có cơ chế phối hợp phù hợp với các đại lý, các nhà phân phối để có mức giá ổn định trên thị trường. Vấn đề ở đây là cách làm chứ không phải là không làm được.
(Tuổi trẻ online)