Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, Bộ Xây dựng phối hợp, chủ trì với Bộ KH&CN cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng trong nước; đồng thời, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng để ban hành hoặc trình ban hành theo quy định.
Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng trong nước
Thực tế cho thấy, việc hực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện dự án nạo vét khơi thông luồng tại các cảng biển, cửa sông có tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu thời gian qua đã huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp tham gia, đạt nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, kể từ năm 2013 đến nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh đã lập, phê duyệt 40 dự án. Kết quả là, khối lượng cát nhiễm mặn tận thu khoảng 250 triệu m3. 40 dự án đã được Bộ Xây dựng kiểm tra, đồng thời có văn bản hướng dẫn 38 dự án với khối lượng 45,4 triệu m3, đạt 18,16% khối lượng đã được duyệt của các Bộ, ngành địa phương.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã triển khai nạo vét và xuất khẩu cát nhiễm mặn 21 dự án, 17 dự án còn lại chưa triển khai thực hiện. Thế nhưng, trên thực tế, việc lập, thẩm định, phê duyệt của một số dự án và lựa chọn đơn vị thực hiện dự án còn bất cập, thời gian thực hiện dự án kéo dài do chưa lựa chọn được đơn vị có năng lực đảm trách.
(Báo Xây dựng Online)