Theo phương án điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, Bộ đề xuất bổ sung thêm nhiều tuyến cao tốc vào quy hoạch.
So với quy hoạch được duyệt năm 2016, tổng chiều dài của toàn mạng lưới cao tốc mới sẽ là 7.200km, tăng 6.411km.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng thêm 300km tại tuyến cao tốc phía Bắc, gồm các dự án bổ sung như Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; Chợ Mới - TP Bắc Kạn; Hà Giang - Nội Bài - Lào Cai.
|
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn ngày thông xe. Ảnh: Giang Huy. |
Đề xuất bổ sung thêm cao tốc từ Ngọc Hồi (Kon Tum) đến cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) ở khu vực miền Trung để đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng tại khu vực Bờ Y - cửa khẩu quốc tế tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Theo dự báo, đến năm 2020, lưu lượng giao thông tại điểm này sẽ là gần 20.000 xe/ngày đêm.
Kiến nghị bổ sung thêm cao tốc từ Gò Dầu (Tây Ninh) đến cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) ở khu vực miền Nam, tăng cường kết nối giữa các khu vực phát triển kinh tế của tỉnh Tây Ninh với Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát. Dự báo lưu lượng giao thông trên tuyến cao tốc này sẽ là gần 20.000 xe/ngày đêm.
Dự kiến bổ sung thêm cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh để đáp ứng nhu cầu thông thương tại khu vực cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp).
Đề nghị kéo dài thêm 30km đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cảng Trần Đề để tạo sự kết nối với cảng biển Trần Đề, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu xuất khẩu hàng hóa cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, Bộ này cũng khẳng định sẽ hoàn thành 6.418km cao tốc trên cả nước trước năm 2030 với tổng vốn hơn 874.000 tỷ đồng và làm mới thêm 932km giai đoạn sau năm 2030 với tổng vốn 130.000 tỷ đồng cho xây mới và 322.000 tỷ đồng để mở rộng các cao tốc hiện hữu.
(vnexpress)