Trong số 22 dự án nhà ở thương mại được phép bán cho người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương, có 11 dự án ở TP. Thủ Dầu Một, 2 dự án ở TX. Dĩ An và 1 dự án ở TX. Bến Cát.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương vừa mới thông báo về danh sách 22 dự án nhà ở thương mại đã xác định số lượng nhà ở được phép bán cho các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Sở này cho rằng, nhu cầu về nhà ở, từ căn hộ cho đến nhà phố xây sẵn, biệt thự sang chảnh dành cho chuyên gia và doanh nhân trên địa bàn tỉnh hiện đang rất lớn. Bên cạnh yếu tố giao thông thuận tiện, sự phát triển cả các khu công nghiệp ở phía Đông Bình Dương như VSIP, Sóng Thần, Nam Tân Uyên, Uyên Hưng, VSIP II,... vốn là nơi tập trung hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư và công nhân sinh sống, làm việc đã thúc đẩy thị trường bất động sản nơi đây.
Hiện toàn tỉnh có 381 dự án nhà ở đã được chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở. Trong đó, có 50 dự án nằm ở TP. Thủ Dầu Một; 109 dự án ở TX. Dĩ An; 96 dự án tại TX. Thuận An; 38 dự án ở TX. Bến Cát; 42 dự án ở TX. Tân Uyên; 27 dự án nằm ở huyện Bàu Bàng; 14 dự án ở huyện Bắc Tân Uyên; 3 dự án ở huyện Phú Giáo; 2 dự án ở huyện Dầu Tiếng.
Theo ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group - một doanh nghiệp bất động sản tại Bình Dương, thị trường Bình Dương đang là điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn của khu vực miền Đông Nam bộ nói riêng và toàn miền Nam nói chung. Thị trường địa ốc Bình Dương được dự đoãn vẫn tiếp đà phát triển trong năm 2019, do tốc độ đô thị hóa và sự tăng trưởng kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp của tỉnh.
Ông Phúc nói: "Nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước đang có xu hướng quay trở lại Bình Dương sau thời gian đầu tư ở Đồng Nai và TP.HCM. Bởi so với các khu vực khác, thị trường đất nền Bình Dương tương đối an toàn, vốn đầu tư thấp nhưng nhiều tiềm năng tăng giá trị".
Cũng theo nhà quản lý này, nếu như thành phố mới Bình Dương, TP. Thủ Dầu Một, TX. Bến Cát là nơi tập trung nhiều dự án bất động sản ở thời gian trước thì đến thời điểm gần đây sự sôi động lại diễn ra tại TX. Dĩ An, TX. Tân Uyên. Sự đầu tư hạ tầng ồ ạt theo chiến lược hình thành tam giác kinh tế Bình Dương - TP.HCM - Đồng Nai được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển dịch này.
Ông Phúc cho biết thêm: "Các công trình này tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với Bình Dương, TP. Biên Hòa trở nên vô cùng thuận lợi. Kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép – Thị Vải… sẽ giúp cho khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước như hổ mọc thêm cánh. Cộng với việc chính quyền địa phương luôn sát cánh tháo gỡ nhanh những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư nên doanh nghiệp có thêm điều kiện triển khai nhanh dự án đưa sản phẩm ra thị trường".
(Nhịp Sống Việt)