Theo kế hoạch, Công ty Mineral Carbonation International (Mci) có trụ sở tại Australia sẽ biến đổi khí thải CO2 thành các vật liệu xây dựng hữu ích.
Vừa qua, công ty này đã mở nhà máy thí điểm tại Học viện Năng lượng và Tài nguyên Newcastle để bắt chước quá trình phong hóa, tạo ra đá tự nhiên với tốc độ cao hơn.
Được biết, công nghệ nói trên bao gồm quá trình chuyển đổi CO2 thành các sản phẩm của ngành xây dựng. MCi thu lại CO2 từ hoạt động khai thác mỏ của Orica trên đảo Kooragang. Trong khoảng thời gian 1 giờ, CO2 liên kết với đá serpentinite tạo thành cacbonat ở thể rắn. Vật liệu này có thể sử dụng để sản xuất gạch, vữa, xi măng, MCi thông tin.
MCi đặt mục tiêu sản xuất từ 20.000 - 50.000 tấn vật liệu xây dựng từ CO2 vào năm 2020.
Vào năm 2016, một nhà máy sản xuất đầu tiên đã được vận hành tại Học viện này. Đến năm 2020, MCi kỳ vọng sẽ sản xuất được 20.000 - 50.000 tấn vật liệu xây dựng.
Theo Marcus Dawe, Giám đốc điều hành của MCi: “Chúng ta cần những giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta cần những công nghệ để sẵn sàng cho việc định giá cacbon trong nền kinh tế hiện đại. Tương tự việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất năng lượng, công nghệ của chúng ta hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề trong ngành sản xuất xi măng, thép và hóa chất”.
Trong khi đó, Peter Cook - Nhà địa chất học thuộc trường Đại học Melbourne cho rằng, một trong các quy trình của MCi có thể đem lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương khi mà lượng khí thải CO2 mỗi năm từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch lên tới 36 tỷ tấn.
(Báo Xây dựng Online)