Thực tế cho thấy, đã có thời điểm đất nền vùng ven trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư bởi sự bùng nổ mạnh mẽ về số lượng dự án cũng như các chiêu quảng cáo - PR rầm rộ.
Thế rồi, "quả bóng" đó đã xì hơi, đất nền vùng ven dường như đang trở lại với giá trị thực của phân khúc này, hoang hóa và tiềm ẩn đầy những rủi ro khôn lường...
Đầu tư đất nền vùng ven như "ôm bom"
Tại Long An, Bình Dương, Đồng Nai,... thị trường đất nền ven đô đã có một giai đoạn thực sự sốt nóng với sự ra đời của hàng loạt dự án. Đáng chú ý nhất phải kể đến Đồng Nai với các dự án "ăn theo" sân bay quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, sau chưa tròn 3 tháng, giá đất ở khu vực này đang có dấu hiệu chững lại, hoặc thậm chí là tụt dốc khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh "vỡ mông" trong khi các kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư dự án sân bay Long Thành vẫn đang được bàn thảo.
Tại Bến Lức, Long An không ít dự án gần hoàn thiện vẫn chưa thu hút được
người dân về ở.
Khi chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được thông qua vào đầu tháng 8/2015, được giúp sức bởi một tay cò đất chuyên nghiệp, một nhà đầu tư có tiếng tại quận 2 (Tp.HCM) ông Nguyễn Quang Thái đã "ôm vào" gần chục lô đất tại khu vực Long Thành. Theo người môi giới, các lô đất này có vị trí "cận kề cửa ngõ ra vào sân bay Long Thành" vì thế ông Thái mừng như bắt được vàng.
Nhưng ông chia sẻ: “Giá tôi mua vào lúc đó dao động từ 600-800 triệu đồng/lô. Song chỉ khoảng 20 ngày sau, giá đã lên thành 900 triệu đến 1 tỷ đồng/lô tương ứng. Những tưởng giá sẽ còn tăng nữa, đặc biệt là đất ở các vị trí gần sân bay, vậy mà giờ giá tụt dốc mạnh..."
Gần cả tháng đăng bán cũng không có người hỏi mua dù ông có chấp nhận bán hòa vốn, ông Thái mới vỡ lẽ trước đó là toàn giá ảo. Thậm chí giá mà ông mua vào từ hồi đầu tháng 8 cũng bị đẩy lên mấy lần.
Tình cảnh của ông Thái không phải là trường hợp duy nhất. Vào tháng 4 năm nay, khi chủ đầu tư một dự án khu dân cư lớn tại Long An bung hàng, anh Lôi Nguyễn (ngụ tại quận 5, Tp.HCM) cũng đã mua liền một lúc 20 lô đất tại dự án này thông qua một nữ nhân viên môi giới.
Anh Nguyễn cho biết, dự án có giá bán quá phải chăng, chỉ chưa đến 300 triệu đồng/lô với dân cư hiện hữu, hạ tầng gần như đã hoàn thiện, đầy đủ các tiện ích, gần khu công nghiệp với hàng nghìn công nhân. Do đó, có đầu tư xây nhà trọ cho thuê cũng dễ kiếm lời.
Nhà đầu tư này than thở: "Ngờ đâu, suốt gần 6 tháng qua mà giá đất ở đây vẫn đứng yên. Dù muốn bán lại cũng chẳng có người mua. Mới đây, qua báo cáo kiểm tra các dự án của Sở Kế hoạch - Đầu tư Long An mới biết từ năm 2005 đến nay, địa phương này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho gần 50 dự án khu đô thị, dân cư. Song rất ít dự án có cư dân sinh sống, một số dự án trong tình trạng hoang hóa, không xây dựng. Anh Nguyễn cho rằng, đầu tư đất nền vùng ven đúng là như "ôm bom".
Cơ hội phát triển trong trung và dài hạn?
Qua tìm hiểu cho thấy, phân khúc đất nền trên thị trường thứ cấp hầu như không có tính thanh khoản, trong khi đó trên thị trường sơ cấp đất nền vẫn hấp dẫn được khá nhiều nhà đầu tư.
Chẳng hạn như, tại Đồng Nai, Tập đoàn Long Điền (LDG Group) tháng 9/2015 đã cho bung hàng đợt 2 dự án Sakura Valley với quy mô 37 ha cung ứng hơn 700 nền nhà phố liên kế và biệt thự có diện tích bình quân từ 100-150m2/nền và giá bán từ 268 triệu đồng/nền. Dự án này đã ghi nhận gần 300 giao dịch kể từ ngày mở bán đến nay, chủ đầu tư cho biết.
Gần đây nhất, Địa ốc Kim Oanh cũng đã mở bán dự án Dầu Giây Center City 2 vào ngày 3/10 và việc tiêu thụ hết toàn bộ 550 nền đất tại dự án. Doanh nghiệp này trước đó cũng đã thông báo, ngay trong ngày mở bán đã bán thành công 272 căn nhà phố tại khu đô thị thương mại RichHome với giá bán từ 390 triệu đồng/căn.
Bên cạnh đó, nhiều dự án khác cũng được chủ đầu tư thông báo những con số hết sức khả quan. Điển hình như, Đất Xanh Miền Nam với 500 nền dự án Suối Son (Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã được bán ra thị trường; trong khi đó, Công ty Phúc Khang công bố bán được trên 300 nền tại dự án Eco Village (Nhơn Trạch, Đồng Nai); vừa qua chủ đầu tư dự án Long Hội City (Công ty Phát triển nhà Thủ Đức) đã công bố bán được 160 nền trong tổng số 200 nền...
Các chuyên gia cho rằng, tuy tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, song về nguyên tắc, phân khúc đất nền vùng ven vẫn có cơ hội phát triển và sẽ phải sau một nhịp so với sự phát triển của "đô thị hạt nhân". Nhiều nhà đầu tư đến từ Tp.HCM đang bị "giam vốn" tại các dự án đất nền ở Bình Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Vậy nhưng, cũng cần phải xác định, đây là khoản đầu tư trung hoặc dài hạn chứ không nên "lướt sóng". Hơn nữa, để tránh rủi ro, nhà đầu tư nên thận trọng kiểm tra pháp lý dự án, nhất là bản vẽ quy hoạch 1/500, hay giấy phép xây dựng... rồi đối chiếu thông tin với sản phẩm được giới thiệu trước khi quyết định xuống tiền, không nên mạo hiểm ký hợp đồng để không phải "ôm bom".
(Kinh tế & Đô thị Online)