Trước thực trạng dân số ngày càng gia tăng và những thách thức từ thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, đất vùng ven đang trở thành kênh đầu tư phù hợp với xu hướng vận động tất yếu của thị trường bất động sản (BĐS) Tp.HCM.
Sức ép từ gia tăng dân số
Báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Tp.HCM tháng 01/2016 của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) nêu rõ, thách thức lớn nhất của thị trường chính là việc gia tăng nhu cầu nhà ở rất lớn của các tầng lớp dân cư trước tốc độ gia tăng dân số cơ học.
Trên thực tế, với quy mô dân số khoảng 10 triệu người (quy mô dân số TP dự báo khoảng trên 12 triệu người đến năm 2020), mỗi năm TP có khoảng 100.000 hộ gia đình cần có nhà ở mới. Thế nhưng, báo cáo của ngành BĐS cho biết, số lượng căn hộ hiện chỉ đáp ứng khoảng 15-20% nhu cầu thực tế. Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu nhận định: "Lâu nay, quy mô dân số của TP được dựa trên số liệu thống kê chính thức nên chưa bao hàm đầy đủ số cư dân vãng lai và gia tăng cơ học. Hiện Tp.HCM là TP của người nhập cư qua chiều dài lịch sử và xu hướng này có thể còn tiếp tục diễn ra trong vài chục năm nữa".
Hiện nay, đất vùng ven Sài Gòn đang thu hút mạnh giới đầu tư BĐS. Ảnh trên
là phối cảnh dự án Làng Sen.
Trong các số liệu thống kê chính thức về điều tra dân số thường không tính đến số lượng rất lớn người nhập cư chưa có hộ khẩu thường trú hoặc KT3, ông Châu cho hay. Song, trên thực tế, số cư dân này vẫn thường xuyên cư ngụ trên địa bàn và góp phần vào sự phát triển của TP, đồng thời cũng tạo áp lực rất lớn lên quá trình phát triển đô thị và nhu cầu nhà ở. Vì thế, nếu chỉ dựa vào số liệu thống kê chính thức về dân số để làm kế hoạch phát triển thì chưa đầy đủ, cần phải căn cứ vào quy mô dân số thực tế để định hướng quá trình phát triển đô thị và giải quyết nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.
Điểm 'nóng' Tây Bắc Sài Gòn
Khi quỹ đất tại các khu vực gần trung tâm Tp.HCM ngày càng khan hiếm thì việc lựa chọn đầu tư đất vùng ven đang trở thành kênh đầu tư phù hợp với xu hướng vận động tất yếu của thị trường địa ốc TP. Nhất là, khu vực phía Tây Bắc đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, được dự báo sẽ 'bùng nổ' trong năm 2016.
Huyện Đức Hòa (Long An) liền kề Tp.HCM và chỉ cách các quận thuộc trung tâm TP 25 phút đi xe, thuận lợi giao thông, đang là miền 'đất hứa' của giới đầu tư BĐS. Trên toàn địa bàn huyện Đức Hòa có 12 khu công nghiệp và cụm công nghiệp, là huyện dẫn đầu khu vực về thu hút vốn FDI. Các khu công nghiệp phát triển kéo theo một lượng lớn lao động từ khắp nơi về đây sinh sống và làm việc. Người lao động không chỉ cần một nơi ở tiện nghi, dịch vụ cơ bản đầy đủ mà còn phải đáp ứng được nhu cầu an cư, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng cho bản thân và gia đình.
Nắm bắt được tiềm năng đó, khá nhiều nhà đầu tư tên tuổi đã đổ vốn vào khu vực này trong thời gian qua. Không ít dự án đô thị đồng thời phát triển với sức thanh khoản cao, điển hình như dự án Làng Sen do Công ty Phúc Khang làm chủ đầu tư, hay dự án Khu dân cư Cát Tường Phú Thạnh, hoặc Five Star Eco City của Tập đoàn Năm Sao,...
Giới chuyên gia đánh giá, thị trường khu vực phía Tây Bắc ngày càng hấp dẫn một phần do nhà đầu tư đã thấy rõ được những định hướng phát triển đô thị trong tương lai. Mặt khác, tâm lý khách hàng cũng đã ổn định và xuống tiền nhanh hơn, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tấp nập mua đất tại đây khi thị trường vẫn còn đang sơ khai. Đất nền khu vực này được lựa chọn hầu hết đều nằm ở các dự án với lợi thế về thanh khoản. Chẳng hạn như dự án 'Phố chợ thương mại Cát Tường Phú Thạnh' có chủ đầu tư là Công ty CP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa, chỉ sau một thời gian công bố giá trị sản phẩm đã tăng 30-40%.
Cùng với đó, những cú hích về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư khiến thị trường địa ốc khu vực này ngày càng trở nên giá trị, hấp dẫn nhiều khách hàng không những đầu tư mà còn cho nhu cầu về nhà ở. Tiêu biểu là việc chi khoảng 20.000 tỷ đồng xây dựng đường trên cao Tp.HCM đi miền Tây và đoạn từ nút giao thông Thủ Đức đi dọc quốc lộ 1A đến nút giao thông Tân Tạo, là tuyến giao đường huyết mạch của TP đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, qua đó tạo cơ hội giao thương giữa các vùng.
Với xu thế đi lên, địa ốc 2016 có khả năng hút một nguồn lớn vốn tín dụng, hơn nữa khách hàng cũng vững tin hơn với các dự án của các nhà đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh. Thị trường BĐS khu vực Tây Bắc Sài Gòn được đánh giá là một trong những kênh đầu tư tiềm năng, khởi động cho một năm 2016 nhiều thuận lợi.
(Kinh tế & Đô thị Online)