Không diễn ra như dự tính ban đầu, thị trường bất động sản thương mại đang chứng kiến sự sụt giảm giao dịch và chững giá do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Riêng đối với những bất động sản thương mại giá trị lớn thì hiện tượng cắt lỗ đang diễn ra mạnh mẽ hơn cả.
“Hội tụ” những yếu tố như sự đắc địa về vị trí, hạ tầng, kết nối… đã giúp bất động sản thương mại thường được đảm bảo về tỉ suất sinh lời cao. Những lợi thế trên được sử dụng để kinh doanh thương mại, cung cấp dịch vụ cho cộng đồng.
Những loại hình tiêu biểu của BĐS thương mại có thể kể đến như hà hàng, khách sạn, nhà mặt phố kinh doanh, nhà phố thương mại hay mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại. Phân khúc này luôn hấp dẫn giới đầu tư, nhất là các nhà đầu tư vốn lớn, kì vọng tỉ suất sinh lời cao, bởi yếu tố sinh lời được đảm bảo qua các hoạt động kinh doanh và sự gia tăng giá trị theo thời gian. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ lớn hơn so với nhiều phân khúc khác trên thị trường.
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, không ít nhà đầu tư BĐS thương mại đang lao đao vì sự bùng nổ của đại dịch Covid-19. Nhiều trường hợp trong số đó đang buộc phải rao bán cắt lỗ sản phẩm để có thể thoát mối lo trả lãi ngân hàng.
Bà Hồng Ngân cho biết, hồi tháng 10 năm ngoái, bà có mua một căn nhà mặt phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) với giá 18 tỷ đồng. Trong đó vốn thực là khoảng 13 tỷ đồng, phần còn lại bà vay trung hạn ngân hàng. Tính ra, số tiền lãi cần trả ngân hàng là khoảng 40 triệu đồng/tháng, chưa gồm tiền gốc. Trước đó, căn nhà mặt phố vốn được chủ cũ cho thuê với giá 450 triệu đồng/năm nên bà Ngân đã tính sẽ dùng tiền cho thuê này cộng với khoản thu từ công việc kinh doanh riêng để trả khoản vay ngân hàng. Song không như dự tính, tình hình kinh doanh của người thuê gặp khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tháng 2 vừa qua, họ buộc phải trả lại mặt bằng. Trong khi, công ty của bà đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cũng phá sản. Vì lý do này, việc trả cả gốc lẫn lãi đối với bà Ngân thực sự chật vật do không có nguồn thu. Bà Ngân chấp nhận cắt lỗ tương đối nếu gặp khách thiện chí song dịch bệnh kéo dài khiến căn nhà đã rao cho thuê hơn 2 tháng nhưng không có nhiều người hỏi.
|
Bất động sản thương mại có nhiều yếu tố đảm bảo tỉ suất sinh lời tốt như lợi thế về vị trí, hạ tầng, kết nối… Ảnh minh họa (Báo Pháp luật) |
Trường hợp của ông Phạm Văn Công (quận 7, TP.HCM), một nhà đầu tư kinh doanh khách sạn tại Nha Trang, cũng không khá khẩm hơn. Ông cho biết, có đến 70-80% nguồn khách tại khách sạn của ông là người Trung Quốc. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid 19 đã khiến hoạt động du lịch tạm đóng băng, kéo theo nguồn khách sụt giảm mạnh khiến khách sạn phải đóng cửa. Trong vòng hơn 2 tháng, nguồn thu gần như không có nên không thể trang trải chi phí bảo trì khách sạn hay trả lương nhân viên. Đến đầu tháng 4, ông Công phải nhờ môi giới rao bán khách sạn do không chịu nổi áp lực từ việc trả lãi và gốc ngân hàng.
Theo chia sẻ của môi giới Nguyễn Thị Linh, nhiều nhà đầu tư từ khoảng giữa tháng 3 đã bắt đầu rao bán các bất động sản thương mại do chịu ảnh hưởng từ tình hình phức tạp của dịch bệnh. Phần lớn những nhà đầu tư đó đều đang sở hữu các bất động sản giá trị lớn nhưng đều đang vay nợ ngân hàng. Họ buộc phải rao bán để trả nợ ngân hàng do không chịu nổi áp lực từ việc trả lãi vay. Chị Linh cho biết: “Họ đều kì vọng có thể bán ngang với giá thị trường. Thế nhưng dịch bệnh gây ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế, không có quá nhiều người có sẵn nguồn tiền mặt để mua những BĐS giá trị lớn này”.
Cũng theo môi giới này, hiện tại, những người có sẵn nguồn tiền đang tìm kiếm bất động sản nhằm “bắt đáy”, trong khi không ít người vẫn có tâm lý chờ đợi hoặc muốn người bán cắt lỗ, giảm giá thêm so với mặt bằng chung của thị trường. Tại thời điểm dịch bệnh, lượng giao dịch thành công từ các BĐS thương mại giá trị lớn mà chị Linh biết tuy có song không thật sự nhiều. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài 1-2 tháng tới thì sẽ có không ít nhà đầu tư phải giảm giá hoặc thậm chí cắt lỗ sâu để bán được sản phẩm.
(ThanhnienViet)