Covid-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Ngay cả khi chưa có lệnh "Cách ly toàn xã hội" thì việc kinh doanh của hầu hết các khách sạn, nhà hàng đều bị ảnh hưởng nặng nề. Không ít khách sạn đã buộc phải rao bán, sang nhượng với giá rẻ vì khó có thể trụ được qua thời kỳ khó khăn này.
Thời dịch, không chỉ riêng nhà phố, căn hộ, đất nền đang phải rao bán “cắt lỗ” mà một loại hình bất động sản khác là khách sạn cũng đang trong tình cảnh "chạy trời không khỏi nắng" khi đang được rao bán tại nhiều khu vực từ Bắc vào Nam với mức giá vô cùng đa dạng.
Khách sạn Delta Sa Pa Hotel của ca sỹ Ngọc Khuê vừa bất ngờ được rao bán với giá 110 tỷ đồng do tình hình kinh doanh gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Theo thông tin từ trang cá nhân của cô, khách sạn có diện tích 350m2 gồm 58 phòng kinh doanh cùng 5 phòng phụ trợ với nội thất, đồ vệ sinh trong phòng có tiêu chuẩn 5 sao.
Được biết, Delta Sa Pa Hotel là một khách sạn tại thị trấn Sapa, điểm du lịch nổi tiếng với lượng khách du lịch đông đảo trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, giống như nhiều điểm du lịch khác, kể từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền TX. Sa Pa đề nghị tỉnh Lào Cai cho phép dừng đón khách du lịch trong 14 ngày từ 17/3/2020 nên hoạt động kinh doanh khách sạn tại đây càng khó khăn hơn.
Tình hình kinh doanh của khách sạn mà chị Ái làm chủ trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cũng không khá khẩm hơn là bao khi chị đang phải rao bán khách sạn 3 sao có diện tích gần 300m2 (4 tầng, 22 phòng) với mức giá khoảng 23 tỷ đồng. Theo chia sẻ của chị Ái, nhiều khách du lịch đã hủy phòng sau khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng khiến các phòng khách sạn đều bị bỏ trống trong thời gian dài. Chính vì vậy, đã khá lâu chị không có nguồn thu nào từ việc kinh doanh này nên buộc phải rao bán để có thể bù vào các chi phí vận hành phát sinh giai đoạn trước đó.
|
Khách sạn 5 sao Delta Sa Pa Hotel đang được rao bán 110 tỷ đồng. Ảnh Internet |
Không ngờ tới có thể kể đến trường hợp của anh Vinh, chủ kinh doanh 2 khách sạn trên những con phố đắt giá nhất thủ đô là phố Nhà Thờ và Hàng Trống đã phải đăng tin tìm kiếm đối tác với mong muốn sang nhượng 2 khách sạn này với giá 0 đồng. Theo chia sẻ của anh Vinh, hai khách sạn trên đã được đầu tư rất tốn kém để chuẩn bị cho mùa du lịch đầu năm 2020 nhưng cũng chịu chung ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên anh đành phải sang nhượng do không có khách đặt phòng. Ngay cả khi không có doanh thu, hàng tháng lại vẫn phải chi trả số tiền lớn để vận hành khách sạn khiến tình hình tài chính rơi vào khủng hoảng. Việc không còn đủ tiền để duy trì thực hiện bản hợp đồng đã ký với chủ nhà đã thúc đẩy anh Vinh tìm một đối tác có tiềm lực để khách sạn có thể tiếp tục vận hành sau giai đoạn dịch.
Anh Vinh cho biết: "Hai khách sạn này, tôi đặt cọc 3 tháng với tổng số tiền là 3,6 tỷ đồng, trung bình 1,2 tỷ đồng/tháng. Tôi chỉ mong muốn lấy lại tiền đặt cọc với chủ nhà, không lấy phí sang nhượng và tiền đã đầu tư vào nội thất".
Tương tự, một số khách sạn trên đường Nguyễn Thiện Thuật, đường Nguyễn Biểu… tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà cũng đã phải treo biển rao bán do không kham nổi chi phí vận hành.
Việc các khách sạn đồng loạt rao bán giữa thời Covid cho thấy thực trạng các nhà đầu tư đã bắt đầu “thấm đòn” và sẽ cần phải tính toán lại chiến lược đầu tư của mình.
Các chuyên gia nhìn nhận, có 2 nhóm đối tượng đang chịu áp lực rất lớn. Nhóm thứ nhất cũng là nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất và nhiều khả năng phải nhượng lại quyền kinh doanh khách sạn với giá rẻ, đó là các nhà đầu tư thuê khách sạn để kinh doanh tại các thành phố lớn hoặc khu du lịch, vùng ven biển.
Các nhà đầu tư sử dụng “đòn bẩy” tài chính cao để "rót vốn" vào các khách sạn thuộc nhóm thứ hai. Đây là nhóm nằm trong diện nguy hiểm, phải bán tài sản bằng mọi cách trong trường hợp tình trạng này kéo dài từ 3-5 tháng. Nguyên nhân là bởi số tiền để đầu tư xây dựng khách sạn, vận hành kinh doanh đều vay từ ngân hàng và không thể chịu được áp lực trong việc trả lãi vay. Song song đó, nhóm các chủ sở hữu khách sạn bằng tiền của mình lại có xu hướng "ăn chắc mặc bền" bằng việc giữ tài sản, đóng cửa khách sạn trong ngắn hạn để cắt giảm chi phí tối đa và chờ hết dịch để tiếp tục hoạt động.
Theo quan điểm của một vài chuyên gia, khó khăn luôn đồng hành với cơ hội nên đây có thể là thời điểm tốt dành cho các nhà đầu tư có tài chính mạnh đàm phán mua lại “khách sạn vỡ nợ” với giá tốt. Ngoài việc mua lại những khách sạn đang hoạt động thì việc tìm kiếm các khu vực đất đai phù hợp cho phát triển resort, khách sạn sau này cũng đáng để các nhà đầu tư cân nhắc.
Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, ông Mauro Gasparotti, nhìn nhận, việc đầu tư vào bất động sản thương mại và du lịch, nhất là khu nghỉ dưỡng, khách sạn thường mang tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, có thể coi những biến động, khó khăn của thị trường trong ngắn hạn là thử thách giúp sàng lọc nhà đầu tư có tài chính, năng lực quản trị cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam.
(ThanhnienViet)