Thông tin trên được trao đổi tại Hội thảo “Đạo đức kinh doanh và khởi nghiệp BĐS” do Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) tổ chức vào ngày 29/11.
Chị Lâm Thị Nguyệt, đại diện cho một nhóm khách hàng đang là nạn nhân của Công ty Việt Hưng Phát, vừa khóc vừa kể lại sự việc mua một nền đất của doanh nghiệp này tại dự án Diamond City thuộc địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) với giá 731 triệu đồng từ hồi tháng 4/2017.
Tính đến hiện tại, chị đã đóng được 75% giá trị hợp đồng. Nhưng đến nay dự án vẫn đang trong giai đoạn thu hồi đất, chưa hoàn thành xong việc GPMB và chủ đầu tư dự án này lại không phải Công ty Việt Hưng Phát mà là Công ty Lê Hương Sơn. Chị Nguyệt đã gửi công văn đi khắp nơi nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp để xử lý công ty lừa đảo này, trong khi các nạn nhân ngày càng tăng lên. Chị cũng đã lên đòi tiền nhiều lần nhưng công ty này không chịu trả, còn cho người ra tạt sơn vào người, thậm chí hành hung cả khách hàng.
Nở rộ lừa đảo trong mua bán bất động sản
Theo ông Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright), thời gian qua có nhiều đơn vị môi giới lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi, gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội. Ông này cho rằng, ở môi trường kinh doanh mà không lấy sự chính trực làm nền tảng thì nền kinh tế sẽ bị trục trặc.
Phân tích về việc nở rộ các công ty môi giới lừa bán đất nền trong thời gian gần đây, luật sư Trương Thị Hòa cho biết, lĩnh vực kinh doanh BĐS được điều chỉnh bởi luật Kinh doanh BĐS, bộ luật Hình sự, luật Cạnh tranh, luật Bảo vệ người tiêu dùng... Trong đó, quy định của luật đã cấm các dự án không được bán sản phẩm khi không đủ điều kiện về hạ tầng, vốn; yêu cầu các chủ đầu tư công khai đầy đủ thông tin về sản phẩm; cấm những hình thức gian lận, lừa dối trong kinh doanh; không được sử dụng tiền huy động để làm việc khác; không được xây dựng trên đất không phải đất ở... Do vậy, những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu phạm tội, các cơ quan có thẩm quyền cần làm sáng tỏ, không để tình trạng một số “con sâu làm rầu nồi canh”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận xét: Thực tế, thị trường có rất nhiều môi giới, thậm chí "cò" đã lớn mạnh trở thành chủ đầu tư, kết nối cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện một vài bạn trẻ trong quá trình lập nghiệp có những hành vi kinh doanh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, trật tự xã hội. Ông Châu cho biết, Hiệp hội có nhận được đơn tố cáo lừa đảo của 50 người dân gửi đến HoREA và ông biết đã có 20 văn bản gửi đến UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xử lý hành vi của Công ty CP địa ốc Alibaba, Kim Phát, Việt Hưng Phát... Tuy nhiên, không hiểu tại sao các công ty trên vẫn tiếp tục huy động vốn trái phép tại nhiều tỉnh, thành.
“Tôi đã làm việc với Bộ Công an, Sở Xây dựng một số tỉnh, thành để họp bàn về việc xử lý các công ty này và trong thời gian tới người dân sẽ có nhiều thông tin, hiểu rõ phương thức huy động vốn của Công ty Alibaba, tránh được nguy cơ thiệt hại. Bởi Công ty Alibaba đến nay vẫn chưa được chấp thuận để làm chủ đầu tư tại bất kỳ dự án nào”, ông Châu nói.
Tại buổi hội thảo, ông Trương Công Nam, Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Tp.HCM cho hay, trước mắt Sở sẽ xử phạt hành chính đối với Công ty Alibaba vì đã huy động vốn vi phạm luật Kinh doanh BĐS, sau đó sẽ chuyển hồ sơ qua Bộ Công an xử lý theo quy định pháp luật.
(Thanh niên online)