Thông tin thị trường

Những trở ngại trên thị trường bất động sản năm 2020

27/12/2019 - 11:04

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2020 sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại như: sự sụt giảm cả về nguồn cung lẫn tính thanh khoản, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, chính sách tín dụng...

Trở ngại về niềm tin 

Theo ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam, thị trường bất động sản đang được cho là ở giai đoạn đáy của một chu kỳ phát triển, khó có khả năng sinh lời tốt như kỳ vọng nên nhà đầu tư sẽ dè dặt trong việc xuống tiền. Còn về phía người mua để ở cũng ở trong tâm thế chờ giá giảm hơn nữa mới quyết định mua nhà đất.

Ngoài ra, sự xuất hiện tràn lan các dự án ma cũng như sự vỡ trận của condotel đã ảnh hưởng nặng đến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Chính tâm lý dè chừng này có thể sẽ kéo thanh khoản giảm xuống, giá cả cũng khó có thể tăng. Theo ông Toản, chung cư và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là 2 phân khúc gặp nhiều trở ngại nhất trong năm tới.

thị trường bất động sản 2020
Khu vực đang chứng kiến tốc độ phát triển các dự án bất động sản rất nhanh tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Còn theo nhìn nhận của bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, các chủ đầu tư không thể làm theo kiểu đánh nhanh trong năm 2020, mà phải chuyển hướng sang "đánh chắc", tức là phải nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới mong ra hàng tốt. Với nhà đầu tư cá nhân cũng khó có thể thực hiện chiêu lướt sóng nhanh chóng được.

Nữ chuyên gia nói: "Bất động sản Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển nhất định, đặc biệt các thị trường như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn. Còn tại một số thị trường mới thì cần có sự đầu tư và phát triển hạ tầng đồng bộ nên cần thời gian thực hiện. Và như vậy khoản mục đầu tư có thể kéo dài."

Trở ngại về nguồn cung khan hiếm

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, tình trạng thiếu nguồn cung xuất hiện từ cuối năm 2018, kéo sang năm 2019 vẫn sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2020-2022.

Cùng ý kiến, ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) dự báo, nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở giá rẻ tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục đà giảm trong năm tới hạn chế về số lượng dự án mới được phê duyệt. Dự án đất nền cũng khó có thể ra hàng do sự tăng cường công tác quản lý của chính quyền địa phương sau sự việc của hàng loạt dự án ma. Không chỉ nguồn cung, mà cả lượng giao dịch đất nền cũng sẽ giảm mạnh trong năm 2020 do tâm lý e dè của cả nhà đầu tư lẫn người mua thực.

Sự vỡ trận của dự án Cocobay Đà Nẵng đã ảnh hưởng khá nặng nền đến toàn thị trường bất động sản du lịch, cộng với hệ thống pháp lý cho dòng sản phẩm này chưa hoàn chỉnh cũng sẽ khiến phân khúc này rơi vào diễn biến trầm lắng.

Trở ngại về pháp lý

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới cho rằng, tuy không phải là vấn đề mới, nhưng những trở ngại về mặt pháp lý vẫn sẽ là rào cản đối với thị trường bất động sản 2020. Các thủ tục triển khai dự án sẽ mất nhiều thời gian hơn do việc tăng cường công tác quản lý đất đai tại các địa phương, dẫn đến gia tăng chi phí thực hiện. Điều này cộng với sự điều chỉnh bảng giá đất sẽ khiến giá bất động sản tại một số địa phương bị đội lên, khiến chủ đầu tư khó có thể đạt được mức lợi nhuận như kỳ vọng, thậm chí có thể rơi vào thua lỗ nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng.

Việc chưa có thời gian cụ thể để đưa ra các quy chuẩn cho một số loại hình bất động sản mới cùng với lãi suất tăng cao cũng trở thành rào cản cho sự phát triển của thị trường trong năm mới.

Trở ngại từ việc siết tín dụng

Nguồn tín dụng từ các nhà băng đổ vào bất động sản bắt đầu nhỏ giọt kể từ hơn một năm trở lại đây, nhất là với phân khúc cao cấp. Trong khi chi phí vốn, chi phí đất đai đều tăng, gây trở ngại cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án với nguồn vốn tự có.

Và khó khăn sẽ còn tăng lên khi Thông tư 22 về việc siết chặt tín dụng cho bất động sản của Ngân hàng nhà nước chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Nội dung thông tư có nêu, nhà băng chỉ được phép sử dụng đối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn như lĩnh vực địa ốc và có thể sẽ còn giảm xuống nữa.

Việc thắt chặt tín dụng bất động sản đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự đổi mới về tuy duy, về cách làm để tìm được hướng đi tốt hơn. 

(vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm