Thông tin thị trường

Những nhân tố tác động mạnh tới thị trường bất động sản năm 2016

20/12/2016 - 07:40

Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2016 đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro; thông tin về việc siết tín dụng, gói 30 nghìn tỷ đồng chấm dứt và chuyện đại gia tấn công vào phân khúc nhà giá rẻ… là những yếu tố có tác động mạnh nhất tới thị trường.

Siết tín dụng bất động sản

Sau một năm triển khai, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN để thay thế bằng Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 06/06/2016. Theo đó, hệ số rủi ro trong kinh doanh BĐS từ 150% nâng lên mức 200%. Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS trong 3 năm. Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho rằng, đây là một trong những chính sách có tác động mạnh tới thị trường nhà đất năm 2016.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển: “Việc sửa đổi Thông tư 36 có tác động mạnh nhất tới thị trường vì nó điều chỉnh dòng tín dụng của ngân hàng. Ngân hàng phải điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay bất động sản.

Trong cơ cấu vốn vào của một dự án BĐS nói chung năm 2016, vốn ngân hàng vẫn chiếm khoảng 80%. Do đó, nguồn tín dụng từ ngân hàng vẫn là quan trọng nhất đối với thị trường”.

nhân tố tác động mạnh tới BĐS 2016
Siết tín dụng BĐS, gói 30 nghìn tỷ đồng chốt sổ,... là những nhân tố tác động mạnh
 tới thị trường địa ốc năm 2016. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, ông Trần Khánh Quang cho biết, Thông tư 36 chỉ rõ hạn chế cho vay BĐS, tuy nhiên chỉ mới hạn chế một phần trong đó chứ chưa phải hạn chế đột ngột tất cả các dự án, chỉ hạn chế với các dự án không khả thi, không chắc chắn, với những dự án khả thi, triển khai được thì ngân hàng vẫn hỗ trợ.

Ông Quang phân tích: “Ngân hàng vẫn đang còn dư một nguồn tín dụng khá lớn. Do đó, việc siết cho vay BĐS khiến ngân hàng bối rối. Bởi lẽ, tiền đang dư mà không cho vay BĐS cũng khó, cho vay sản xuất thì chưa phát triển mạnh. Thế nên, tiền vẫn đi về BĐS theo một cách nào đó".

Gói 30.000 tỷ đồng kết thúc: Giảm lực mua nhà

Kể từ cuối năm 2013 đến này, gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đã góp phần giúp thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Theo đại diện HoREA, sau 3 năm thực hiện chính sách này, tính đến hết tháng 11/2016, cả nước đã giải quyết được cho hơn 56.000 hộ có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị có nhà ở, đã giải ngân được gần 30.000 tỷ đồng.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiểu đánh giá: “Gói 30 nghìn tỷ đồng đã có tác động rất tốt đối với thị trường trong 3 năm 2014, 2015 và 2016, hỗ trợ lãi suất cũng như khả năng trả nợ cho người mua nhà. Vì vậy, khi gói này kết thúc, lực vốn hỗ trợ cho người mua nhà không còn nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng khá mạnh đến quyết định mua nhà của những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp”.

Đồng thời, việc gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đã dừng và hiện tại chưa có gói mới khiến thị trường cũng như người mua nhà vẫn đang kỳ vọng vào một gói kích cầu mới cho nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp lớn tấn công phân khúc nhà giá rẻ

Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực cho biết, hiện nay có hai đại gia là Tập đoàn Mường Thanh và Vingroup đã có kế hoạch tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ với số lượng lên tới hàng trăm nghìn căn.

Ông Đực nhấn mạnh: “Vingroup dự kiến sẽ cung cấp 200.000 - 300.000 căn hộ có giá từ 700 triệu đồng/căn cho những người có thu nhập trung bình. Họ đã lên kế hoạch, phương án, có quỹ đất, như ở quận 9 khoảng 300 ha. Khi những đại gia này tham gia sẽ lôi kéo cả thị trường nói chung hướng vào phân khúc nhà giá trung bình và giá rẻ. Tôi cho rằng, đây là tác động lớn nhất tới thị trường địa ốc cuối năm 2016 và sang năm 2017 sẽ bùng nổ hơn”.

Hiện tượng lệch pha cung - cầu, lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng đang là tình trạng chung của thị trường. Theo HoREA, hiện chưa có đủ nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, nhà ở cho thuê giá rẻ để giải quyết nhu cầu cấp bách của người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

HoREA và Bộ Xây dựng cũng đã có cảnh báo và khuyến nghị các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà cho thuê giá thấp.

Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định, thị trường trong năm 2017 muốn đi vào nhu cầu thực, phát triển mạnh phân khúc nhà giá rẻ thì rất cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Nhà nước.

(Vietnamnet)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm