Theo dự báo của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, trong năm 2017, khó có thể xảy ra "bong bóng" bất động sản nhưng khuyến cáo thêm, "bong bóng" nhiều khả năng xảy ra trong các điều kiện sau đây.
Kinh tế phát triển nóng
Nền kinh tế phát triển nóng được coi là nền tảng để phát sinh "bong bóng" BĐS bởi các doanh nhân và người dân cũng sẽ dễ kiếm tiền, từ đó sẽ chuyển qua đầu tư BĐS, hoặc mua BĐS làm tài sản để dành. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng chậm nên chưa có biểu hiện phát triển nóng.
Nhà nước buông lỏng chính sách tín dụng
Các nhà băng hạ chuẩn, cho vay tín dụng dễ dãi, thiếu kiểm soát sử dụng vốn vay là điều kiện trực tiếp dẫn đến "bong bóng" địa ốc. Ngân hàng Nhà nước hiện đã thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, giám sát chặt chẽ, áp dụng cơ chế linh hoạt nhưng có kiểm soát. Nhờ đó, không có hiện tượng buông lỏng tín dụng như giai đoạn thị trường khủng hoảng cách đây 10 năm.
Rổ hàng hóa mất cân bằng: Giá cao lấn lướt giá thấp
Thị trường chủ yếu phát triển nóng ở phân khúc BĐS cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng. Hiện tại, thị trường đã và đang xuất hiện tình trạng này. Thế nhưng, chỉ một yếu tố này thì chưa đủ điều kiện dẫn đến "bong bóng" nhà đất. Song, yêu cầu đặt ra là Nhà nước cần điều chỉnh cơ chế, chính sách để điều tiết thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tái cấu trúc đầu tư, tái cơ cấu dự án để điều chỉnh sản phẩm BĐS sang các phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền đang có nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao.
Giới đầu tư thứ cấp gia tăng, rổ hàng hóa lệch về phân khúc cao cấp... là những yếu
tố vi mô có thể thổi phồng bong bóng BĐS. (Ảnh: Vũ Lê).
Nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp tăng cao
Một khi thị trường được dẫn dắt bởi một số người đầu cơ chuyên nghiệp, tạo được sóng và "lướt sóng" kiếm lợi rất nhanh sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến "bong bóng" BĐS. Trong 2 năm qua, số lượng các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp đã và đang gia tăng, với tỷ lệ trên dưới 50% trong phân khúc BĐS cao cấp. Nhà đầu tư thứ cấp lẫn khách hàng cần tỉnh táo để đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời, tránh đầu tư "lướt sóng" theo số đông, dù chưa có dấu hiệu xuất hiện tình trạng bùng nổ các nhà đầu cơ chuyên nghiệp. Tuy vậy, BĐS thật sự cần được theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở các địa bàn nóng, nhất là lưu ý đến thị trường BĐS thứ cấp.
Hiệp hội BĐS Tp.HCM dẫn nguồn nhiều dữ liệu thống kê về tín dụng cho thấy thị trường vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11/2016, cả nước đạt khoảng 14,57%, tăng trưởng tín dụng tiền đồng lên tới 15,81%. Tại Tp.HCM, dư nợ tín dụng đạt 1,374 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 16,4%, tỷ lệ cao nhất nước và có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 18 đến 20%, nợ xấu khoảng 3,79% (nếu loại trừ nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng: Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, nợ xấu tín dụng của Tp.HCM chỉ là 2,03%).
Số liệu cho thấy, tín dụng vào thị trường BĐS Tp.HCM khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10,6%, so với năm 2015 tăng 14,2%, nợ xấu BĐS chỉ chiếm khoảng 2,6%. Trên toàn TP, dư nợ vay tiêu dùng (với lãi suất khoảng 10%/năm, được tín chấp hoặc có tài sản bảo đảm) khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ, đã có đến khoảng 38% (trên 70.000 tỷ đồng) cho vay để sửa chữa, xây nhà mới. Hơn nữa, khoản vay này được giám sát chặt chẽ để sử dụng đúng mục đích vì người vay có thể chuyển tiền vay qua đầu tư BĐS.
(Vnexpress)