Một trong những sai lầm hiện nay của nhà đầu tư condotel là chủ chú trọng đến việc so sánh về giá, cam kết lợi nhuận, diện tích mà bỏ qua yếu tố tiện ích cũng như giá trị song hành của sản phẩm.
Bàn về vấn đề đầu tư condotel tại Việt Nam hiện nay, ông Trương Xuân Quý - Giám đốc Kinh doanh bất động sản Tập đoàn Flamingo đã có những chia sẻ như sau:
- Tình hình thực tế phát triển condotel trên thế giới đang diễn ra thế nào thưa ông và quan điểm của ông về tỷ suất lợi nhuận hợp lý đối với loại hình này tại Việt Nam?
Condotel là loại hình bất động sản đã phát triển từ rất lâu trên thế giới với cam kết lợi nhuận phổ biến trong khoảng 4-6 %, tương đương với lãi suất tại nhà băng. Tỷ suất này được cho là phù hợp với thị trường Việt Nam hiện nay, giúp giảm tỷ lệ rủi ro cho khách hàng. Tỷ suất này có thể sẽ được tăng lên nếu vận hàng tốt sau vài năm đưa vào sử dụng.
|
Nhà đầu tư condotel vẫn có thể sống khỏe nếu tỉnh táo khi lựa chọn dự án. |
Mức cam kết lợi nhuận tại mỗi dự án sẽ phụ thuộc vào năng lực, uy tín cũng như cách thức tư vận hành mà chủ đầu tư đưa ra. Đối với dự án thuê đơn vị vận hành là các công ty ngoại thì tỷ suất lợi nhuận 4-6 % được xem là hợp lý. Nếu chủ đầu tư có sẵn đơn vị vận hành thì tỷ suất cam kết lợi nhuận có thể đạt 8-10 %.
- Sự việc vỡ trận cam kết lợi nhuận khủng tại dự án Cocobay Đà Nẵng thời gian vừa qua liệu có làm méo mó thị trường hay không? Và ông cảm nhận sự việc này như thế nào?
Theo tôi, đây là sai lầm của một doanh nghiệp tại một dự án chứ không phải là sự vỡ trận của toàn thị trường. Sự đổ vỡ của Cocobay xuất phát từ việc chủ đầu tư không đưa ra được bài toán kinh doanh phù hợp, kế hoạch vận hành dự án chưa có tầm nhìn dài hạn... dẫn đến phát triển không vững chắc. Đây được xem như bài học cảnh tỉnh cho tất cả các doanh nghiệp điều hành dự án bất động sản khác về việc phải lượng được sức mình chứ không nên cạnh tranh bằng mọi giá, chạy theo con số hoang tưởng để dẫn đến thất bại.
Hiệu quả kinh doanh là vấn đề cốt lõi trong đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn và nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc chia sẻ lợi nhuận đó. Tại Việt Nam, condotel là mô hình sản phẩm mới, do đó cần tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sự sống khỏe của nó trong thời gian dài, chứ không phải làm choáng ngợp người mua bằng cam kết lợi nhuận khủng để rồi nhanh chóng sụp đổ.
- Vấn đề về pháp lý liên quan đến condotel tại Việt Nam được cho là đang còn nhiều lỗ hổng. Vậy theo ông chúng ta cần làm gì để khắc phục nhược điểm này, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn?
Tôi thấy hiện đang có rất nhiều chủ đầu tư lao vào triển khai dự án condotel, trong khi các quy định để kiểm soát, thẩm định năng lực (tài chính, vận hành) từ phía cơ quan chức năng lại còn quá lỏng lẻo, không đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Vậy nên, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng được cơ chế kiểm soát quá trình thẩm định, cấp phép triển khai dự án bất động sản nghỉ dưỡng sao cho phù hợp. Đồng thời, phải có sự rà soát để loại bỏ những chủ đầu tư xem bất động sản nghỉ dưỡng là kênh huy động ra khỏi thị trường.
Thị trường condotel Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, còn quá non trẻ và rất nhạy cảm, dễ bị tác động, trong khi khung pháp lý lại chưa hoàn chỉnh, chưa rõ ràng. Do đó, rất cần một quy chế quản lỹ rõ ràng.
- Nhà đầu tư cần phải quan tâm đến những yếu tố nào khi đổ vốn vào condotel, thưa ông?
Theo tôi, nhà đầu tư muốn thành công với condotel thì cần quan tâm đến 4 yếu tố cơ bản dưới đây:
Thứ nhất là uy tín của chủ đầu tư phát triển dự án như thương hiệu, khả năng tài chính, năng lực quản lý vận hành...
Thứ hai là sự quy hoạch đồng bộ về mặt tiện ích cũng như vị trí của sản phẩm.
Thứ ba là cơ sở hạ tầng quanh dự án.
Thứ tư là khả năng sinh lời của dự án trong tương lai chứ không phải là con số lợi nhuận cam kết ban đầu mà chủ đầu tư đưa ra.
Trên thực tế, khi lựa chọn condotel, các nhà đầu tư thường hay làm phép tính so sánh về giá cả, cam kết lợi nhuận, diện tích giữa sản phẩm này với sản phẩm khác mà không quan tâm đến tiện ích cũng như giá trị song hành của sản phẩm. Đây là một trong những sai lầm của nhà đầu tư khi đổ vốn vào condotel.
- Vậy theo ông, để đảm bảo quyền lợi cho mình trong bối cảnh khung pháp lý vẫn chưa hoàn chỉnh, các bên tham gia thị trường cần phải làm gì?
Về phía chủ đầu tư cần xác định chú trọng hơn nữa đến tiện ích cũng như cơ sở hạ tầng của dự án.
Về phía nhà đầu tư cần tỉnh táo khi lựa chọn dự án để xuống tiền, nên đặt uy tín cũng như năng lực của chủ đầu tư lên trên hết.
Về phía cơ quan chức năng cần phải kiểm soát, thẩm định dự án ngay từ đầu khâu cấp phép và nhanh chóng hoàn chỉnh khung pháp lý.
- Ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường condotel trong năm tới?
Ngành du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh Thái Lan và thị trường khác đang rơi vào bão hòa. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel tại Việt Nam nói riêng đang có rất nhiều dư địa để phát triển tốt trong năm 2020. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là năm để thị trường thanh lọc chủ đầu tư để họ định hướng lại kế hoạch đầu tư cũng như đưa ra cam kết lợi nhuận phù hợp với tình hình thị trường.
(Nhịp sống kinh tế)