Nguồn cung hạn chế, đà tăng giá vẫn tiếp diễn khiến thị trường địa ốc Sài Gòn phải đối diện mới nhiều trở ngại mới trong năm 2020.
Trở ngại về sự gia tăng giá nhà đất mạnh
Giá nhà đất tăng chóng mặt không chỉ khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người dân bị thu hẹp, mà còn đẩy cả doanh nghiệp mới vào không ít khó khăn, thách thức. Số liệu thống kê từ các đơn vị nghiên cứu bất động sản uy tín cho thấy, giá nhà đất đã tăng trung bình 2 lần trong giai đoạn 2016-2018.
Tính theo chu kỳ 10 năm của thị trường (2009-2019), mỗi m2 đất tăng từ 4 - 10 lần, tùy theo vị trí, khu vực nhất định. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại không phải là hướng phát triển tích cực của thị trường, mà theo các chuyên gia là hệ lụy của những cơ sốt ảo, thiếu bền vững và tiềm ẩn bong bóng cao.
|
Giá đất tăng mạnh, tâm lý nghi ngờ của người mua... là những trở ngại của thị trường địa ốc Sài Gòn trong năm tới. |
Trong giai đoạn nóng sốt 2016-2018, giá đất ở hầu hết các tỉnh thành đều tăng mạnh, khó có thể kiểm soát. Thực tế này khiến giá đất trên thị trường vượt quá xa so với bảng giá đất được cơ quan chức năng quy định. Do đó, khi xây dựng bảng giá đất dự kiến cho giai đoạn 2020-2024, hầu hết các địa phương đều tăng khá nhiều so với bảng giá cũ. Cụ thể, Hà Nội dự kiến sẽ tăng từ 15-30 %; mức tăng của Bình Dương là 45-95 %; Quảng Ninh tăng tới 5 lần...
Song, việc tăng khung giá đất này được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhà ở trên thị trường theo hướng ngày càng tăng cao. Bởi, giá đất hiện đang chiếm tới 10-14 % giá thành sản phẩm của các dự án, nếu khung giá đất tăng gấp đôi thì con số này sẽ là 25%. Chưa hết, giá đất tăng ắt cũng kéo theo dự tăng giá của các mặt hàng liên quan như sắt thép, xi măng, gạch…
Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, mà còn khiến cơ hội gia nhập thị trường địa ốc của các doanh nghiệp mới cũng khó khăn hơn. Một trong những khó khăn dễ nhận thấy nhất của các doanh nghiệp mới chính là việc tìm kiếm quỹ đất để làm dự án.
Sự biến động liên tục của giá đất theo chiều hướng tăng mạnh khiến các doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận được với quỹ đất mới vốn đã khan hiếm. Thêm vào đó, giá đất tăng sẽ kéo theo chi phí cho sản phẩm cũng bị đội lên khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với người tiêu dùng hơn do giá thành vượt quá xa so với mức thu nhập.
Trở ngại về hạ tầng
Những vấn đề liên quan đến hạ tầng như: dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, tình trang ngập lụt, giao thông thường xuyên ách tắc... cũng là rào cản không nhỏ đối với sự phát triển của thị trường địa ốc.
Các chuyên gia cho rằng, giao thông luôn là vấn đề nhức nhối đối với khu vực trung tâm Sài Gòn, bởi khi các dự án nhà ở cao tầng hình thành, dân cư sẽ ngày càng tập trung đông đúc hơn. Và vấn đề này sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chính quyền địa phương tiếp tục cấp phép cho các công trình cao tầng trong khi đường xá vẫn không có sự nâng cấp. Và chắc chắn tình trạng kẹt xe, ngập lụt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dự án nhà ở nằm trong khu vực đó. Thực tế này khiến người mua trở nên e dè hơn khi tìm mua nhà đất.
Lộ diện nhiều trở ngại mới
Sự xuất hiện ồ ạt của các dự án ma, condotel bị vỡ cam kết lợi nhuận, dự án không đầy đủ tính pháp lý ngày càng nhiều, thiếu nguồn cung nhà thu nhập thấp, các công trình trọng điểm chậm tiến độ… đã đẩy nhiều người mua nhà vào tình trạng mất trắng tài sản tích cóp cả đời. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người mua nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường.
(thoibaokinhdoanh)