Thông tin thị trường

Những biến số tác động đến thị trường bất động sản Tp.HCM năm 2017

17/12/2016 - 10:03

Một trong những nhân tố bất định có thể tác động đến nhiều phân khúc thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam là việc Mỹ có thể rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tại buổi tọa đàm: Xu hướng dòng tiền và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2017 được tổ chức vào ngày 16/12 vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã chia sẻ tham luận về những cơ hội, thách thức của thị trường địa ốc giai đoạn 2017-2021.

Theo Chủ tịch HoREA, năm 2017 thị trường BĐS vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng dù đà tăng đã chậm lại rõ rệt trong 2016. Vậy nhưng, khó có thể xảy ra kịch bản "bong bóng" bởi nợ xấu BĐS vẫn trên đà giảm và tín dụng BĐS nằm trong ngưỡng an toàn.

Sau đây là 5 biến số tác động đến thị trường BĐS Tp.HCM trong năm 2017:

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Do Mỹ có khả năng chưa (hoặc không) phê chuẩn hoặc có thể đàm phán lại; nhân tố Trung Quốc với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến trở thành hiện thực. Việc này sẽ tác động tới sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư, chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam, đồng thời cũng sẽ tác động trực tiếp đến thị trường BĐS trong trung hạn và dài hạn. TPP có thể làm thay đổi nguồn cầu các phân khúc BĐS nhà ở cao cấp, khu công nghiệp, văn phòng tại các đô thị lớn...

5 biến số rủi ro cho thị trường BĐS
Theo dự báo, BĐS năm 2017 khó xảy ra kịch bản bong bóng nhưng vẫn tiềm ẩn
nhiều biến số rủi ro. (Ảnh: Lucas Nguyễn).

Hệ thống pháp luật

Trong năm 2017, pháp luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh BĐS, xây dựng, đấu thầu, đầu tư, tiền tệ, tín dụng, thuế... hứa hẹn sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Mặt khác, năng lực điều hành, vận dụng hệ thống pháp luật của Chính phủ, các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Những điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hệ thống luật được kỳ vọng tác động tích cực đến thị trường nhà đất hơn so với trước đây.

Diễn biến của Chương trình chỉnh trang,phát triển đô thị

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp.HCM lần thứ X, trong đó có "Chương trình chỉnh trang đô thị cũ" với nhiều mục tiêu lớn như: Chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch; chỉnh trang các khu dân cư cũ; xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng; phát triển các khu đô thị mới"; định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh và phát triển nhà ở xã hội. Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy BĐS phát triển bền vững.

Một khi các chương trình chỉnh trang đô thị này phối hợp nhịp nhàng có thể tạo ra sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, góp phần giải quyết nhà ở cho sinh viên, công nhân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp. Có thể nói, đây là cơ sở định hình động lực tích cực cho thị trường địa ốc Sài Gòn.

Cú hích hạ tầng

Tại Tp.HCM, kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới kết nối ngày càng đồng bộ hơn, gồm đường cao tốc, metro, các tuyến giao thông liên vùng sẽ tạo ra cơ hội rất lớn để đầu tư địa ốc. Giao thông hứa hẹn ngày càng thông thoáng là cơ hội lớn để phát triển thị trường BĐS cả trong trung hạn và dài hạn.

Cung-cầu lệch pha, BĐS cao cấp lấn lướt

Bất động sản nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng, tài sản có giá trị 5-7 tỷ đồng thậm chí hàng chục tỷ đồng đang tăng lên có nguy cơ đe dọa sự cân bằng rổ hàng hóa thị trường. Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp địa ốc đang được nhận nguồn vốn tín dụng rất lớn và huy động rất nhiều nguồn vốn xã hội (trong đó có nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp) cũng là những nhân tố có tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Biến số này tác động đến thị trường BĐS trong chu kỳ 2017-2021.

(Vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm