Nhận thấy thanh khoản thị trường năm 2014 có phần cải thiện, một số chủ đầu tư đã rục rịch mở bán các dự án biệt thự, nhà liền kề và bước đầu thu được kết quả tích cực.
Dự án đất nền phân lô lớn gặp khó khăn trong việc mở bán
Tuy nhiên, chỉ những dự án có cơ cấu sản phẩm diện tích nhỏ mới có thanh khoản tốt, trong khi những dự án có diện tích lớn vẫn gặp phải nhiều khó khăn.
Diện tích nhỏ dễ bán
Trong năm 2014, theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội có không dưới 10 dự án đất nền, biệt thự được mở bán. Trong đó, một số dự án đã có dấu hiệu cải thiện rõ rệt về thanh khoản.
Cụ thể, tại đợt mở bán đầu năm, với diện tích lô đất phù hợp, chỉ dưới 100 m2, cùng mức giá thấp, Dự án Ao Sào (quận Hoàng Mai) của Công ty CP Đầu tư Lũng Lô 5 đã thực sự tạo cơn sốt. Thậm chí, nhiều khách hàng có nhu cầu đã phải chấp nhận chi tiền chênh lên đến hàng trăm triệu đồng/lô.
Tại Dự án Gamuda Gardens, với cơ cấu diện tích lô đất dưới 200 m2, hạ tầng đã hoàn thiện, có nhiều chính sách hỗ trợ được chủ đầu tư áp dụng, thanh khoản nhà biệt thự, liền kề của dự án này cũng khá tốt với cả trăm sản phẩm được đặt mua chỉ trong quý II và quý III/2014.
Mới đây tại đợt mở bán 30% sản phẩm còn lại của dự án này, một đại diện của Gamuda Land Việt Nam kỳ vọng, với việc hạ tầng đã hoàn thiện, cộng thêm nhiều chính sách bán hàng ưu đãi, số sản phẩm còn lại sẽ được bán hết trong năm 2014.
Tại Dự án Duyên Thái, huyện Thường Tín của HacomLand, mặc dù có vị trí cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km, nhưng với diện tích nhỏ chỉ từ 75 - 100 m2, hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng xong, 50 lô đất đã được đặt mua trong đợt mở bán mới đây.
Diện tích lớn gặp khó
Trong khi nhiều dự án có cơ cấu diện tích nhỏ đang bán được hàng, thì khó khăn lại đến với một số dự án có diện tích nền đất lớn.
Đơn cử như trong năm 2014, tại Dự án Khu đô thị Nam An Khánh, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) từng có ý định mở bán rầm rộ, song do việc triển khai hạ tầng chậm, cơ cấu diện tích đất nền và biệt thự quá lớn, lên tới 300 - 400 m2. Vì vậy doanh nghiệp đã buộc phải lùi kế hoạch này, chỉ mở bán qua sàn giao dịch của chủ đầu tư, tuy nhiên lượng rao dịch thành công mỗi tháng vẫn không nhiều.
Dự án Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) của Cienco 5 Land từng tạo ra những đợt sóng lớn trong thời kỳ bất động sản sốt nóng, dù chưa chính thức được mở bán. Tuy nhiên, với việc thị trường rơi vào trầm lắng, cộng thêm những vụ lùm xùm về lừa đảo liên quan tới dự án, hạ tầng chưa đầy đủ, chuyện mở bán đã bị Cienco 5 Land “án binh bất động” trong mấy năm qua. Mặc dù chủ đầu tư hiện mới khởi động lại việc triển khai hạ tầng dự án, nhưng trong bối cảnh phân khúc đất nền, biệt thự chưa thật sự khởi sắc như hiện nay, hơn nữa phần lớn sản phẩm tại dự án này lại có diện tích lớn, nên xem ra, việc mở bán trong tương lai với chủ đầu tư cũng không hề đơn giản.
Trong năm 2014, chủ đầu tư của một số dự án tại huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng rục rịch chuyện mở bán, nhưng phần lớn đều đã phải lùi kế hoạch do nhận thấy đây chưa phải là thời điểm thích hợp.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, trong năm 2014 thanh khoản của phân khúc nhà liền kề, biệt thự đã cải thiện nhiều. Tuy nhiên, các dự án có thanh khoản tốt đều là có vị trí gần trung tâm thành phố, hạ tầng kỹ thuật tốt. Trong khi đó, tại các dự án mà còn thiếu hạ tầng, đặc biệt cơ cấu sản phẩm có diện tích quá lớn, thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc chào bán sản phẩm ra thị trường.
(Báo Đầu tư)