UBND tỉnh Bình Thuận vừa cho biết, ngày 30/12/2014 sắp tới sẽ dự kiến khởi công dự án Sân bay Phan Thiết. Với vốn đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng, đây sẽ là dự án sân bay đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng theo hình thức BOT.
Phan Thiết sẽ là sân bay đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng theo hình thức BOT
|
Được xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, sân bay Phan Thiết là sân bay dân dụng cấp 4C kết hợp với sân bay quân sự cấp I. Trong đó, diện tích nhà ga hàng không dân dụng là 5.000 m2, có công suất tối đa 300 hành khách vào mỗi giờ cao điểm. Sân bay sẽ khai thác các loại máy bay gồm: ATR72, Bae 146-300, F-70, Bombardier và các loại máy bay tương đương. Sân bay được thiết kế với nhiều hạng mục như: công trình dẫn đường quản lý bay, đường cất hạ cánh, dải hãm phanh... Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV ADCC (thuộc Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Quốc phòng) là nhà thiết kế sân bay Phan Thiết. Dự án đã được thẩm định bởi Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư, và UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo dự kiến, năm 2018 dự án Sân bay Phan Thiết sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công tác thu hồi đất phục vụ dự án hiện đã được 170/543 ha diện tích đất, số đất còn lại sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư vào khoảng đầu năm 2015.
Được biết, Sân bay Phan Thiết sau khi đưa vào hoạt động sẽ không chỉ phục vụ cho việc đi lại, du lịch với các chuyến bay nội địa hàng không dân dụng từ Phan Thiết đi Tân Sơn Nhất, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Nẵng,Tuy Hòa, Phú Bài, Rạch Giá, Phù Cát. Quan trọng hơn, sân bay còn có chức năng phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo và an ninh quốc phòng. Đây là dự án sân bay xây dựng bằng hình thức BOT đầu tiên tại Việt Nam.
(Thời báo ngân hàng Online)