So với cùng kỳ năm ngoái, lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM qua các kênh chính thức tính đến cuối tháng 8/2016 ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng gần 6%.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, so với tháng trước, son số này tăng tới 14%. Sau một thời gian dài, nguồn kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại đối với thị trường địa ốc.
Kể từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép kiều bào mua nhà trong nước được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014, trên phạm vi cả nước đã có trên 7.000 kiều bào đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có Tp.HCM. Thực tế cho thấy, việc kiều bào có nhà tại quê hương chính là điều kiện cơ bản để họ có thể thường xuyên về nước mang theo những tích lũy kiều hối nơi xứ người.
Tại Tp.HCM, tình hình kinh tế phục hồi khá mạnh so với mặt bằng chung của cả nước, theo ông Minh, trong năm 2016, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn Tp.HCM tiếp tục khả quan, dự kiến đạt khoảng 5,7-5,8 tỷ USD.
Lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn Tp.HCM dự kiến đạt khoảng 5,7-5,8 tỷ USD
trong năm 2016. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Kiều hối đầu tư vào sản xuất kinh doanh trồi sụt lớn trong các giai đoạn khác nhau: Từ năm 2010-2013 chiếm 27%-30%, năm 2014 còn 16% và đến năm 2015 tăng vọt tới 70,6%, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết.
Phó Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Kim Chung nhận định, sự biến động này là do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, khi kinh tế khó khăn, giới nhà giàu không muốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh mà trú ẩn ở tiết kiệm, đầu tư nhà đất.
Dữ liệu của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Tp.HCM tương đồng với kết quả nghiên cứu của CIEM. Có 70,8% kiều hối ở Tp.HCM chuyển vào sản xuất - kinh doanh, 7% là để hỗ trợ gia đình, thân nhân và khoảng 21% đổ vào bất động sản.
Do Việt Nam có hơn 4 triệu kiều bào ở nước ngoài nên lượng kiều hối tăng khá nhanh. Trong những năm gần đây, chính sách nhà nước rất thông thoáng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người thụ hưởng kiều hối. Hơn nữa, người nhận không phải đóng thuế thu nhập cá nhân cũng như không phải trả phí. Có thể nói, lượng kiều hối chuyển về được xem là nguồn lực vàng xây dựng, phát triển đất nước bởi nguồn tiền này không phải đi vay hay trả lãi.
Thời gian qua, chính sách chống đô-la hóa của Ngân hàng Nhà nước (giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm niêm yết hàng ngày, siết lại đối tượng cho vay ngoại tệ) đã không ảnh hưởng đến nguồn kiều hối về Việt Nam để gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ như lo ngại.
(Trí thức trẻ)