Trong năm nay, không ít đại gia bất động sản đã bất ngờ công bố lợi nhuận đầy tham vọng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC) là một trong số ít những ông lớn địa ốc không gây bất ngờ với mục tiêu lãi khủng. Theo kế hoạch, trong năm 2017, doanh nghiệp sẽ đạt doanh thu thuần 80.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng. Do quy mô đa ngành và hệ sinh thái bất động sản của tập đoàn này khá dày đặc nên mục tiêu lợi nhuận của Vingroup không mấy bất ngờ. Được biết, tập đoàn này hướng đến sự bứt phá trên nhiều lĩnh vực trong năm nay như bất động sản, bán lẻ, du lịch và vui chơi giải trí, giáo dục, y tế và nông nghiệp. Bên cạnh đó, VIC còn phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ mang thương hiệu VinCity.
Trừ Vingroup, thị trường bất động sản ghi nhận khá nhiều doanh nghiệp gây sốc với kế hoạch lợi nhuận kỷ lục. Tiêu biểu Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) công bố mức lợi nhuận kỳ vọng lên tới 6.000 tỷ đồng trong những năm 2018 - 2020. Theo giới đầu tư, nếu kế hoạch kinh doanh này đạt được sẽ là những kỷ lục mở ra chu kỳ mới của doanh nghiệp. Bởi lẽ, QCG chỉ lẹt đẹt báo lãi từ dăm bảy tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng mỗi năm trong gần nửa thập niên qua.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT QCG cho biết tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, doanh thu của công ty ước đạt 2.500 tỷ đồng và dự kiến lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng (trừ năm 2017). Mức lợi nhuận sẽ hoành tráng hơn trong các năm tiếp theo, bà Loan khẳng định. Theo đó, vào năm 2018, lợi nhuận trước thuế của công ty có thể cán mốc 2.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu 2.000 tỷ mỗi năm 2 năm từ 2019 - 2020. Lãnh đạo QCG chia sẻ: “Tôi chắc chắn sẽ làm được nếu thị trường giữ nhịp độ như hiện nay, không rơi vào khủng hoảng".
Trả lời chất vấn của báo chí về kế hoạch kinh doanh có quá tham vọng, ôngNguyễn Quốc Cường, Phó Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai khẳng định rằng: “Mức lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng cho 3 năm tới đã là mục tiêu khiêm tốn nhất”. Từ năm 2017, doanh nghiệp đã đạt được sự cân bằng tài chính nhờ trả xong khoản nợ và lãi hơn 1.300 tỷ đồng cho BIDV. Hiện QCG sẵn sàng cho những cú "đại nhảy vọt" sắp tới.
Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu ợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm tới.
Trong khi đó, kế hoạch kinh doanh của ông lớn địc ốc Novaland (mã CK: NVL) cũng gây ấn tượng mạnh cho giới đầu tư. Được biết, doanh nghiệp này mới niêm yết tại sàn HOSE trong năm 2017. Ban đầu, NVL dự kiến doanh thu đạt khoảng 17.528 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.144 tỷ đồng trong năm nay. Sở dĩ NVL mạnh dạn đưa ra mục tiêu táo bạo này là nhờ nhiều dự án bàn giao trong năm 2017 và bắt đầu ghi nhận doanh thu.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng tạo cú hích lớn cho giới đầu tư bằng bảng kế hoạch lợi nhuận lạc quan trong vài năm tới dù mục tiêu có thấp hơn đôi chút. Điển hình là Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2017 lần lượt đạt 2.800 tỷ đồng và 850 tỷ đồng. Ban lãnh đạo đề ra mục tiêu này trên cơ sở bán đất tại khu công nghiệp Quang Châu, Tràng Duệ 2 và Nam Sơn Hạp Linh. Mặt khác, nguồn thu còn đến từ việc bán đất tại dự án Phúc Ninh (6,27 ha) và bán nhà xưởng tại khu công nghiệp Quế Võ.
Đáng chú ý, Tập đoàn Đất Xanh (mã CK: DXG) cũng có những kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận xếp hàng “như mơ”. Doanh nghiệp thông qua kế hoạch doanh thu thuần năm 2017 là 3.300 tỷ đồng và lãi ròng 700 tỷ. Từ năm 2018 trở đi, DXG nhắm đến mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ. Năm 2018, DXG đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ đồng, năm 2022 phấn đấu nộp thuế 1.000 tỷ đồng, tức lãi khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo dự kiến, vốn hóa DXG đạt 1 tỷ USD vào đầu năm 2019.
Bàn về vấn đề này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng đánh giá: “Đúng là doanh thu và lợi nhuận của các công ty địa ốc đặt ra năm 2017 và các năm tới rất ấn tượng. Có 3 nhóm lý do chính dẫn đến hiện tượng này”. Cụ thể như sau:
Một là, thị trường bất động sản hồi phục sau khủng hoảng kể từ năm 2014 trở đi. Trong 4 năm qua, thanh khoản của thị trường liên tục sôi động, sức mua lớn và giá bán tăng cao. Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp địa ốc đã bước vào giai đoạn bàn giao nhà, đủ điều kiện ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Trên cơ sở xác đáng này, các đại gia bất động sản đã đặt mục tiêu lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.
Hai là, sự phát triển của thị trường nhà đất dựa trên kỳ vọng tương lai khá lớn. Cụ thể, nhà ở hình thành trong tương lai và hạ tầng hình thành theo quy hoạch dài hạn. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin thị trường đang trong giai đoạn tăng trưởng, tình trạng bong bóng và khủng hoảng hiện vẫn chưa có dấu hiện xuất hiện. Có thể nói, các kết quả doanh thu cũng lợi nhuận nghìn tỷ/năm được xây dựng trên cơ sở lạc quan khi thị trường vẫn tiếp tục phát triển tốt. Vậy nhưng, cơ sở này mang tính chủ quan, cảm tính nhiều hơn.
Ba là, rất có thể mục tiêu kinh doanh khủng là “bánh vẽ” để giảm áp lực với cổ đông, làm hài lòng nhà đầu tư tạm thời trong kỳ đại hội. Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản có thể sử dụng kế hoạch lợi nhuận ấn tượng như một thủ thuật kích đòn bẩy tài chính, huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên sàn chứng khoán. Kinh nghiệm cho thấy, kế hoạch kinh doanh càng đẹp thì cơ hội huy động vốn càng khả thi.
Chuyên gia này cho rằng, không phải tất cả các doanh nghiệp địa ốc đặt mục tiêu lợi nhuận đột biến đều có cùng lý do. Kế hoạch lãi khủng có thể khả thi hoặc không là tùy vào hoàn cảnh, vị thế từng doanh nghiệp. Hơn nữa, những chỉ số này cũng phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường địa ốc cũng như nền kinh tế vĩ mô.
Thế nên, vì mục tiêu an toàn tài chính và khách quan, doanh nghiệp nên đưa ra ít nhất 2 kế hoạch tốt và chưa tốt để công bố với cổ đông, nhà đầu tư của mình. Ông Khánh nhấn mạnh: “Đừng chỉ chăm chăm vào việc làm đẹp các bảng kế hoạch để rồi khi không đạt được lại buông lời xin lỗi muộn màng. Các doanh nghiệp nên đặt mục tiêu lợi nhuận có sự tỉnh táo, thận trọng nhất định”.
(Vnexpress)