Giao dịch về khách sạn đã đạt mức kỷ lục trong năm 2016 với tổng giá trị giao dịch chiếm 83% so với các giao dịch cùng năm tại Thái Lan - một thị trường phát triển mạnh hơn.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong năm ngoái, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục với 10 triệu lượt và mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 20 triệu lượt. Cuối thập kỷ này, ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt 30 tỷ USD doanh thu. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, đây được coi là động lực chính để thúc đẩy thị trường khách sạn Việt Nam phát triển mạnh.
Phó Chủ tịch Tập đoàn tư vấn khách sạn JLL châu Á - Thái Bình Dương, ông Adam Bury đánh giá, Việt Nam đang từng bước thay đổi hình ảnh để không còn là nơi du khách chỉ đến một lần. Minh chứng là, trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã đón nhận thêm một lượng lớn khách sạn với thương hiệu quốc tế, tạo sự đa dạng cho các thương hiệu, các công ty quản lý khách sạn trên thị trường.
Thời gian qua, thị trường khách sạn Việt Nam phát triển khá mạnh.
Thực tế cho thấy, nhóm khách sạn cao cấp 3-5 sao chủ yếu thu hút các nhà đầu tư ngoại, còn các doanh nghiệp trong nước lại chiếm ưu thế với phân khúc bình dân hơn và dành cho khách nội địa. Ví dụ, việc đổi mới thương hiệu của Khu nghỉ dưỡng The Nam Hai tại Hội An do thương hiệu Four Seasons quản lý.
Tới đây, Four Seasons cũng sẽ quản lý một dự án khác đang được xây dựng. Trong thời gian tới, nhiều thương hiệu khai thác và vận hành khách sạn lớn cũng mong muốn chiếm một phần tại thị trường khách sạn Việt Nam.
Chuyên gia của JLL nhận định: "Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp khách sạn Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh, nhu cầu cư trú của khách du lịch tại các khách sạn ở Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh, thành khác đang gia tăng vì nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, nhà máy chế xuất lớn đã vào Việt Nam kéo theo một lượng lớn chuyên gia của họ có nhu cầu tạm trú ngắn, cũng như dài hạn để phục vụ công việc".
Một số chuyên gia cho rằng, thị trường khách sạn Việt Nam phát triển còn nhờ sự thúc đẩy của việc đầu tư về cơ sở hạ tầng trong thời gian qua, nhất là việc đầu tư 2.000km đường cao tốc mới, dự án mở rộng và xây dựng sân bay mới khác và hệ thống tàu điện ngầm tại hai thành phố lớn...
Ngoài những điểm đến quen thuộc như Nha Trang - Cam Ranh, Đà Nẵng - Hội An, việc đầu tư giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng đã mở ra nhiều điểm du lịch mới tại các khu ven biển. Những khu vực này sẽ trở thành mục tiêu của giới đầu tư ngoại. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư và khai thác vận hành khách sạn cam kết một tốc độ tăng trưởng hấp dẫn với thị trường trong nước.
Trong năm ngoái, các giao dịch về khách sạn đã đạt mức kỷ lục với tổng giá trị giao dịch trong năm chiếm 83% so với các giao dịch cùng năm tại Thái Lan (một thị trường phát triển mạnh hơn). Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các quốc gia cùng nguồn cung các sản phẩm khách sạn mới sẽ biến Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn trong mắt giới đầu tư quốc tế.
(Thời báo Ngân hàng)