Dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, nguồn vốn lớn nhất là từ nhà đầu tư Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.
|
BĐS Việt Nam nhận được nguồn ngoại vốn lớn |
Theo Tổng cục Thống kê, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng. Lĩnh vực BĐS hiện đang đứng thứ 2 với 29 dự án mới, tổng vốn đầu tư tăng thêm 1,22 tỷ USD (8,9% tổng vốn đăng ký).
Theo nhận xét của các chuyên gia, dù mới trải qua thời gian trầm lắng kéo dài nhưng BĐS Việt Nam vẫn đang là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có không ít các tập đoàn nước ngoài đẩy mạnh việc đầu tư vào BĐS Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt, trong thời qua có nhiều thương vụ mua bán lớn đã diễn ra như: Tập đoàn bán lẻ Berli Jucker Thái Lan đã mua Metro Cash & Carry với giá là 877 triệu USD; Lotte mua lại Diamond Plaza (giá trị thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ); Tập đoàn Daibiru, Nhật Bản mua lại phần văn phòng của tòa nhà Corner Stone từ VIBank với giá 60,1 triệu USD.
Giám đốc điều hành của Savills, ông Neil MacGregor nhận định, trong khi giá BĐS Việt Nam đã chạm đáy thì giá BĐS tại nhiều khu vực của Châu Á lại đang đạt đỉnh. Đồng thời, sự phục hồi của thị trường BĐS Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư. Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào hai phân khúc là khách sạn và văn phòng.
Trong quý 3 năm 2014, thị trường văn phòng tiếp tục có những cải thiện về giá thuê. Giá hạng A và hạng B tăng lần lượt là 3,7% và 2,2% so với cùng kì năm trước. Các công ty của Mỹ chiếm hơn 50% yêu cầu thuê.
Tại phân khúc khách sạn, lượng du khách đang tăng nhanh. Điều này khiến nhà đầu tư đẩy mạnh các hoạt động tại khách sạn ở trung tâm các thành phố lớn hoặc khu nghỉ dưỡng ở các thành phố ven biển.
Dù vậy, ông Marc Townsend, giám đốc điều hành CBRE Việt Nam vẫn cho rằng, hiện nay các nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng. Họ chỉ thực hiện từng bước chậm rãi để từ đó xây dựng tầm nhìn, kế hoạch lâu dài. Nhưng với những chính sách hỗ trợ của chính phủ Việt Nam, chắc chắn ngồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, theo những nội dung mới trong luật Đất đai, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ được giao đất để đầu tư vào các dự án nhà ở. Đây là một trong những điều khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán để gia nhập hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi hiệp định được ký kết, đó sẽ là sự hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế của cả nước, đồng thời cũng sẽ khiến nguồn vốn FDI tăng lên đáng kể.
(Cafeland)