Những lý do khiến Jones Lang LaSalle Việt Nam cho rằng bất động sản (BĐS) Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đầu tư là thị trường Việt Nam còn non trẻ và mới phát triển trong khi nền kinh tế đang tăng trưởng cao, cộng với nhu cầu về BĐS lớn...
Một báo cáo mới được công bố của công ty nghiên cứu và tư vấn Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL Việt Nam) cho biết, thị trường BĐS Việt Nam đang chứng kiến sự cải thiện đáng kể trong năm 2015 so với 3-4 năm trước.
Thực tế cho thấy, nhiều dự án BĐS tung ra thị trường đều phù hợp với nhu cầu. Bất động sản thương mại như văn phòng, khu công nghiệp, bán lẻ cũng đang cải thiện được hoạt động cho thuê.
Theo JLL Việt Nam, thị trường nhà ở là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Các chính sách về bảo lãnh tín dụng, điều kiện bắt buộc các chủ đầu từ phải được các tổ chức tín dụng có uy tín bảo lãnh trước khi được phép bán hoặc cho thuê mua các tài sản hình thành trong tương lại đã góp phần đáng kể giúp tăng cường khối lượng vốn tín dụng cho thị trường.
Cùng với đó, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại ở mảng dịch vụ cho vay cá nhân cũng mang lại nhiều lợi ích cho người mua nhà: các mức lãi suất ưu đãi và hấp dẫn hơn, với hạn mức cho vay cao hơn và thời gian ân hạn dài hơn,...
Theo nhận định của JLL Việt Nam, BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Hiện các ngân hàng thương mại hợp tác với chủ đầu tư dự án nhà ở đưa ra các mức lãi suất ưu đãi vào khoảng từ 5-6%/năm so với mức trung bình từ 7-7,5%/năm của năm 2015. Mặt khác, lãi suất tiền gửi tiết kiệm gần đây chỉ ở mức khoảng 6%/năm, mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với trên 14%/năm trong năm 2011. Tất cả những điều kiện này đều góp phần tạo ra cho thị trường BĐS trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với vàng hay chứng khoán.
Qua quan sát, JLL cho hay, danh tiếng chủ đầu tư cũng là là một trong những yếu tố quyết định đến lượng giao dịch thành công trên thị trường và qua thời gian các quyết định mua bán và đầu tư của khách hàng trở nên sáng suốt hơn.
Thứ nữa, việc pháp luật ghi nhận việc mua và sở hữu nhà tại Việt Nam cho người nước ngoài cũng góp phần thúc đẩy thị trường. Theo thống kê của JLL, đã có trên 1.000 căn hộ bán cho người mua là khách nước ngoài, trong khi năm trước đó chỉ bán được 250 căn.
Báo cáo của JLL chỉ rõ, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang còn nhiều cơ hội đầu tư ở tất cả các mảng bởi thị trường mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, đi sau nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Các chủ đầu tư hiện đang tập trung vào mảng nhà ở, song các thị trường khác như văn phòng, khu công nghiệp và bán lẻ cũng sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore trong thời gian tới.
Cộng với những lợ thế về du lịch, BĐS Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư ở các mảng khách sạn và dịch vụ trong tương lai gần.
Giá BĐS tại Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực đang ở mức thấp. Cụ thể, đối với căn hộ cao cấp, có 2 phòng ngủ với diện tích khoảng 70m2, chỉ cách khu vực trung tâm Tp.HCM khoảng 10-15 phút đang có mức giá dao động trong khoảng 1600-2000 USD/m2 (112-140.000 USD/căn hộ).
Theo JLL, giá trung bình trong năm 2015 vẫn thấp hơn mức đỉnh của giai đoạn 2007-2008 khoảng từ 15-20%. Báo cáo của đơn vị này nêu rõ: "Khi so sánh với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn có nhiều điểm mạnh đáng lưu ý. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và tham gia mạnh hơn vào cộng đồng kinh tế thế giới, nhờ đó chúng ta có thể đạt các mức tăng trưởng khoảng 5-7%/năm".
Giới đầu tư có thể đạt các mức lợi nhuận từ 6-7% đối với các BĐS nhà ở và khoảng từ 9-11% đối với BĐS thương mại phụ thuộc vào vị trí, vào số năm hoạt động, chất lượng của các dự án và danh tiếng của các khách thuê trong tòa nhà.
(Trí thức trẻ)