Oxford Economics dự báo, những thành phố như Tp.HCM, Jakarta và Bangalore đem đến cho nhà bán lẻ cơ hội mở rộng mạng lưới cửa hàng với mức giá thuê thấp hơn 2.000 USD/m2/năm, trong khi mức tăng doanh thu bán hàng tiếp tục tăng từ 8%-10% cho đến 2019.
Bất động sản bán lẻ Tp.HCM hấp dẫn bởi giá thuê rẻ, doanh thu cao.
Cung lớn gặp cầu mạnh
Trong bao cáo tình hình thị trường bất động sản (BĐS) Tp.HCM quý III/2016, Savills Việt Nam cho biết, tổng mặt bằng cho thuê của TP khoảng 1.160.000m2, tăng 10% theo quý và 22% theo năm do có thêm 131.500m2 nguồn cung mới, khoảng 26.50 m2 giảm từ các dự án dừng hoạt động.
Hoạt động của thị trường BĐS bán lẻ Tp.HCM quý III/2016.
Trong quý III vừa qua, giá thuê trung bình tăng 4% theo quý, chủ yếu là do hoạt động tốt của Saigon Centre vừa mở lại và dự án mới Aeon Mall Bình Tân gia nhập thị trường. Công suất thuê trung bình khoảng 93%, số liệu này ổn định theo quý và năm, trong đó trung tâm thương mại công suất tăng 1 điểm phần trăm theo quý, khối đế bán lẻ giảm -3 điểm phần trăm, công suất của trung tâm bách hóa ổn định.
Theo báo cáo thị trường BĐS Tp.HCM quý III/2016 của JLL Việt Nam, trong 3 tháng qua, giá thuê gộp trung bình của phân khúc trung tâm thương mại đạt mức 45,8 USD/m2/tháng, khoảng 500 USD/m2/năm. Giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại khu vực trung tâm khoảng 70,7 USD/m2/tháng (gần 850 USD/m2/năm), ở vùng ven 38,6 USD/m2/tháng (463 USD/m2/năm), thấp hơn rất nhiều so với mức 2.000 USD theo dự báo của Oxford Economics.
Mặt khác, báo cáo của JLL Việt Nam cũng cho thấy mô hình cửa hàng tiện lợi vẫn là thị trường cạnh tranh quyết liệt giữa các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước. Loại hình này có tổng cung đã đạt đến 150.650m2. Thị trường cửa hàng tiện lợi vẫn sẽ là "mỏ vàng" cho các nhà bán lẻ và số lượng các cửa hàng tiện lợi dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, JLL Việt Nam dự báo.
Châu Á thống lĩnh thị trường bán lẻ toàn cầu
Báo cáo "Các điểm đến bán lẻ hấp dẫn" vừa được công ty tư vấn bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL) công bố cho thấy, châu Á đang là khu vực thúc đẩy tăng trưởng thị trường bán lẻ toàn cầu với tốc độ phát triển nhanh nhất. Minh chứng là, trong số 20 thành phố có ngành bán lẻ tăng trưởng nhất toàn cầu có đến 12 thành phố thuộc khu vực châu Á, 8 thành phố trong số đó đến từ Trung Quốc.
Được biết, báo cáo nói trên của JLL gồm 240 thương hiệu quốc tế trên 140 thành phố bán lẻ toàn cầu, đưa ra cái nhìn sâu sắc về việc tìm kiếm tăng trưởng của các thương hiệu này. Tổng số 140 thành phố bán lẻ chiếm 36% GDP, 13% dân số và 33% tổng chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Theo kết quả khảo sát, Thượng Hải là thành phố tăng trưởng nhanh nhất chỉ sau Dubai. Những siêu đô thị của Trung Quốc là những điểm đến yêu thích của các thương hiệu quốc tế nhằm tiếp cận khách mua tại quốc gia này. Nhờ tầng lớp trung lưu bùng nổ và mức sống tăng lên, Bắc Kinh đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng này.
Trưởng bộ phận Bán lẻ tại JLL Trung Quốc, James Hawkey đánh giá: “Các thị trường mới nổi có thể đem đến nhiều rủi ro về mặt kinh tế địa chính trị hơn cho các nhà bán lẻ quốc tế. Chẳng hạn như chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc và những hậu quả dây chuyền mà nó gây ra đối với thị trường bán lẻ cao cấp. Thế nhưng, các nhà bán lẻ quốc tế đang ngày càng thích nghi với việc giải quyết những rủi ro này và họ thích nghi với việc này ngay từ khi bắt đầu để có được vị trí vững chắc trên đấu trường quốc tế".
Oxford Economics dự báo rằng, những thành phố như Jakarta, Bangalore và Tp.HCM sẽ đem đến cho nhà bán lẻ cơ hội mở rộng mạng lưới cửa hàng với mức giá thuê thấp hơn 2.000 USD/m2/năm với mức tăng doanh thu bán hàng từ 8%-10% cho đến 2019.
Song, để bắt kịp các thành phố trưởng thành và tốc độ xây các trung tâm bán lẻ mới chậm lại, giá thuê sẽ tăng dần.
“Toàn cảnh thị trường bán lẻ toàn cầu sẽ có nhiều thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm tới nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tầng lớp trung lưu tại các thị trường mới nổi đã thu hút các nhà bán lẻ đến tìm kiếm sự tăng trưởng", Giám đốc Khối bán lẻ của JLL, ông David Zoba nhận định.
Chuyên gia này cho biết thêm, việc tìm kiếm sự tăng trưởng đang đẩy mạnh sự thâm nhập ồ ạt của các thương hiệu quốc tế vào những thành phố hấp dẫn bán lẻ nhất trên thế giới, nhất là châu Á. Những nhà bán lẻ tìm được mặt bằng tốt tại các vị trí thu hút vào đúng thời điểm sẽ có được thành công lớn và gia tăng lợi nhuận, tuy nhiên họ cũng nên cẩn thận vì những tiềm năng thường đi đôi với rủi ro.
(Nhịp sống kinh doanh)