Quản lý - Quy hoạch

Dự án số 8B Lê Trực: Yêu cầu rút ngắn thời gian phá dỡ phần sai phạm

21/11/2015 - 09:29

Hôm qua (20/11), Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có ý kiến về mặt kỹ thuật gửi UBND quận Ba Đình về phương án và giải pháp phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp tại công trình số 8B Lê Trực.

Vào 9 giờ sáng 21/1.2015, chủ đầu tư sẽ tiến hành phá dỡ phần tum của công trình theo kế hoạch đã cam kết.

Hiện tại, chủ đầu tư đã triển khai tập kết máy móc thiết bị đến hiện trường gồm 2 máy nén khí,  524 khung giáo hoàn thiện,  97 cây thép hình, 144 cây thép hộp và các vật tư phụ khác.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát là nhà thầu phá dỡ, doanh nghiệp này đang thi công lắp dựng sàn công tác, lắp đặt hệ thống giáo bao che ngoài tầng 19 để phục vụ tháo dỡ và lắp dựng giàn giáo bao che mặt đường Trần Phú - Kim Mã từ tầng 1 đến tầng 5 để hứng vật rơi.

Phương án phá dỡ và khắc phục vi phạm của chủ đầu tư nêu rõ, công tác phá dỡ được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ phá dỡ toàn bộ tầng tum và toàn bộ tầng 19; những phần xây dựng sai phạm còn lại sẽ được phá dỡ trong giai đoạn 2.

Theo đó, với giai đoạn 1, về cơ bản Sở Xây dựng thống nhất với phương án giải pháp phá dỡ tại hồ sơ phương án phá dỡ phần xây dựng sai phép do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát lập, gồm các nội dung như: Các cảnh báo quan trọng, những biện pháp thi công; đảm bảo an ninh an toàn lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống hỏa hoạn.

Với chi tiết bố trí giáo chống và giáo an toàn mặt đứng phục vụ tháo dỡ (tại bản vẽ số PD-5, bố trí giáo chống giáo an toàn chỉ mang tính định hướng (dạng sơ đồ), do đó Sở Xây dựng yêu cầu phải thể hiện rõ chi tiết giữa các hệ giao đứng chữ H và liên kết với kết cấu công trình để đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phá dỡ; đồng thời lưu ý lớp ván đáy của giáo ngoài phải đảm bảo kín khít, tránh để lọt bụi bẩn ra ngoài.

dự án số 8B Lê Trực
Sở Xây dựng TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư rút ngắn thời gian phá dỡ phần
xây dựng sai phạm tại dự án số 8B Lê Trực.

Mặt khác, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra trong quá trình phá dỡ để xử lý kịp thời đối với các nội dung về các nguy cơ tiềm ẩn và một số kiến nghị tại Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế do Công ty cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - CONINCO lập.

Đối với tiến độ phá dỡ, Sở Xây dựng cho rằng thời gian 9 tháng để phá dỡ giai đoạn 1 (phá dỡ tầng tum và tầng 19) là chưa phù hợp với tiến độ, vì thế đề nghị chủ đầu tư rà soát lại tiến độ chi tiết để rút ngắn thời gian thi công phá dỡ giai đoạn 1, nhằm đảm bảo theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương lắp dựng hệ thống giàn giáo công trình, bao che an toàn công trình và phá dỡ tầng tum chậm nhất là ngày 21/11, rồi triển khai tiếp theo là tầng 19 (theo Văn bản 527/CVDA ngày 17/11/2015 của Công ty Cổ phần May Lê Trực về việc cam kết tự tháo dỡ phần công trình sai phép).

Trong khi đó, với giai đoạn 2, Sở Xây dựng xét thấy chưa thể hiện đầy đủ các biện pháp thi công phá dỡ chi tiết cũng như tiến độ thi công và theo những nội dung yêu cầu của Sở Xây dựng tại Văn bản số 11579/SXD-GĐCL ngày 9/11/2015.

Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư cùng với việc triển khai phá dỡ giai đoạn 1 phải khẩn trương tổ chức lập phương án giải pháp phá dỡ phần công trình còn lại sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp (giai đoạn 2) theo hướng dẫn của Sở Xây dựng để đảm bảo tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP đặc biệt lưu ý về việc lập phương án giải pháp phá dỡ phần còn lại thuộc giai đoạn 2 (phá dỡ đồng thời theo chiều đứng và chiều ngang công trình) sẽ liên quan đến hệ kết cấu chịu lực của công trình trong và sau khi phá dỡ, vậy nên phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an toàn sử dụng, ổn định của kết cấu chịu lực, mỹ quan đô thị.

Khảo sát thực tế hiện trạng công trình cho thấy, vị trí phá dỡ nằm liền kề các công trình xây dựng sẵn có và sát trục đường giao thông phố Lê Trực, thế nên chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu phá dỡ có đủ kinh nghiệm và năng lực theo luật định, trong đó phải thể hiện chi tiết biện pháp, quy trình, trình tự phá dỡ; máy móc, thiết bị phục vụ phá dỡ; các biện pháp che chắn để đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng, an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường cho công trình, những công trình liền kề và phương tiện thiết bị, con người tham gia giao thông quanh khu vực trong suốt quá trình phá dỡ.

Nhất là, quá trình tổ chức phá dỡ phải thể hiện sự phối hợp chặt chẽ của chủ đầu tư với chính quyền địa phương và các đơn vị thực hiện phá dỡ về công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh.

Kết luận của UBND TP Hà Nội nêu rõ, dự án công trình số 8B Lê Trực trong quá trình triển khai đã xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp.

Về khoảng lùi: Từ tầng 8 phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, tuy nhiên chủ đầu tư không thực hiện. Với phần giật cấp phía Đông tòa nhà theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây song chủ đầu tư không xây dựng giật cấp và làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Theo giấy phép xây dựng thì công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m, thế nhưng chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, đã xây dựng thêm tầng 19, vì thế tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (tức vượt khoảng 16 m, tương đương với 5tầng).

(Vietnam+)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm