Người nghèo và sổ đỏ khó có điều kiện 'gặp nhau' bởi những bất cập bắt nguồn từ việc ban hành chính sách đến thực hiện trên thực tế.
Đó là thông tin được công bố tại Hội thảo Thực trạng và những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất do Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP) tổ chức vào ngày 19/11/2015.
Luật Đất đai 2013 đã có nhiều quy định thoáng, mở hơn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để phát triển kinh tế, từ đó ổn định cuộc sống lâu dài. Thế nhưng, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần khắc phục để triển khai Luật, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khó khăn lớn nhất trong đó.
Cán bộ Tư pháp UBND xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) ông Chu Văn Hệ cho
rằng, tồn tại quá nhiều bất cập khiến việc cấp sổ đỏ ở nông thôn bị
tồn đọng. (Nguồn ảnh: Thảo Nguyên).
Theo ông Hệ, lý do là căn cứ Luật 2013 những phần thuế phải nộp để được cấp sổ đỏ là vẫn còn quá cao (50-100%) so với điều kiện kinh tế của người dân ở các vùng nông thôn khiến, vì thế họ không đủ sức để hoàn thành thủ tục cấp sổ đỏ dẫn đến thắc mắc và tồn đọng trong thời gian qua.
Tuy có được nhận sổ đỏ song với dòng phê 'nợ thuế' nên người dân cũng không dùng sổ đỏ làm được gì. Theo đó, nhiều hộ dân nghèo không có sổ đỏ để thế chấp vay tín dụng làm kinh tế, họ đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Đại diện lãnh đạo Cục Công sản thuộc Bộ Tài chính nhận định, tình trạng người dân không nhận sổ đỏ không hẳn do vấn đề tài chính mà một phần vì họ không đồng tình khi chỉ được cấp sổ cho một phần diện tích đất so với thực tế họ đang sử dụng để đúng hạn mức sở hữu đất đai.
Chủ tịch VUJUSAP bà Tạ Thị Minh Lý nhấn mạnh rằng, hiện tỷ lệ khiếu kiện cao về đất đai đã gây lãng phí và mất mát lớn cho cả người dân và xã hội. 'Đất không chân' không tự dịch chuyển nên cơ quan chức năng phải tính toán để quy hoạch, nhằm tháo gỡ những bất cập trong công tác quản lý đất đai và để người dân phải luẩn quẩn khiếu kiện.
(Báo Thanh tra)