Quản lý - Quy hoạch

Đà Nẵng: Hàng loạt dự án treo đứng trước "án tử"

18/12/2014 - 08:02

Nhiều dự án tại thành phố Đà Nẵng “rầm rộ khởi công rồi để đó” đang nằm trong tầm ngắm bị thu hồi mà không được Nhà nước bồi thường bởi chủ đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ cam kết.

​Khu đất vàng bị bỏ hoang giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng thuộc Dự án Golden Square và Viễn Đông Meridian Tower đang khiến dư luận bức xúc
Khu đất vàng bị bỏ hoang giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng thuộc Dự án Golden Square
và Viễn Đông Meridian Tower đang khiến dư luận bức xúc

Theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 thì với hàng loạt dự án triển khai dở dang, trong trường hợp quá thời gian chủ đầu tư không triển khai theo cam kết sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi dự án và chủ đầu tư không được bồi thường.

Bỏ hoang sau khi "ôm đất"

Tháng 3/2008, khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng trở nên náo nhiệt và ồn ào với sự xuất hiện của nhiều dải băng rôn, cờ hoa rợp trời cùng không ít vị khách mời đặc biệt từ cả địa phương và trung ương. Đó là sự kiện Công ty CP Địa ốc Vũ Long Châu tổ chức trọng thể lễ khởi công xây dựng 2 công trình gồm Han Riverside và Danang Center . Dự án Danang Center với iện tích gần 8.500 m2 gồm trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp 27 tầng và khách sạn 5 sao 35 tầng với tổng vốn cam kết là 125 triệu USD (2.600 tỷ đồng). Công trình này dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2011. Tuy nhiên, tính đến nay đã 3 năm, trên mặt bằng khu đất vẫn chỉ là cỏ lác mọc um tùm bên hành trăm chiếc cọc lởm chởm, hoen rỉ và một số vật tư, thiết bị đã hư hỏng, chỉ còn giá trị... sắt vụn.

Không chỉ riêng Danang Center, nhiều khu đất vàng - thậm chí một số khu còn được mệnh danh là “đất kim cương” cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một loạt các dự án có thể được nêu tên như Dự án Golden Square của Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á với tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng; Dự án Viễn Đông Meridian Tower 48 tầng, với tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD do Công ty CP Địa ốc Viễn Đông tại khu đất số 84 Hùng Vương…

Đó mới chỉ là các dự án nằm ở trung tâm, còn các dự án ven biển, phải nhắc đến Daewon D - City được khởi công vào năm 2008 bởi Công ty TNHH Daewon Cantavil. Daewon D - City được giới thiệu là dự án FDI lớn nhất được đầu tư vào thành phố Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD và cũng là  dự án lớn nhất của tập đoàn Daewon tại Việt Nam. Theo thiết kế, khu đô thị mới Daewon D – City có diện tích 210 ha, trong đó 180 ha đất mặt nước ven vịnh Đà Nẵng đã được san lấp. Khu phức hợp này dự kiến gồm có resort,  khách sạn quốc tế, trung tâm hội nghị, bến cảng dành cho du thuyền, sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế,  tòa nhà văn phòng cao cấp 60 tầng, các trung tâm thương mại, villa cao cấp, chung cư với quy mô khoảng 8.500 căn hộ và rường học quốc tế.... Theo kế hoạch, việc xây dựng hạ tầng sẽ hoàn tất trong 15 tháng, các hạng mục chính kể cả sân golf được đưa vào sử dụng từ 24 đến 36 tháng và trong vòng 10 năm sẽ hoàn tất đầu tư. Nhưng đến nay, chỉ có việc san lấp mặt bằng cơ bản đã hoàn thành, còn khu đô thị mới với bao ước mơ vẫn đang nằm trên giấy và bất động.

Những dự án này đang là nỗi bức xúc cho người dân Đà Nẵng theo như lời của Chủ tịch UBMT TQ VN Thành phố Đà Nẵng - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại kỳ họp HĐND thành phố vừa được tổ chức mới đây: “Cử tri thành phố rất bức xúc trước việc một số dự án lớn do thành phố kêu gọi đầu tư nhưng lại bị “treo” quá lâu tại các “khu đất vàng” trên đường  Phan Châu Trinh, Hùng Vương...”

Theo nhận định của giới đầu tư và kinh doanh bất động sản, lý do dẫn đến tình trạng “hoang hoá” các khu đất vàng này là bởi những dự án trên đều được khởi động vào thời kỳ thị trường bất động sản Đà Nẵng nóng sốt. Vì vậy khi thị trường khó khăn, chủ đầu tư không tìm thấy lối ra cho sản phẩm dẫn đến việc chậm triển khai là điều dễ hiểu. “Chủ đầu tư khi bắt tay vào những dự án này đã kỳ vọng một làn sóng di cư của những “đại gia” ở hai đầu đất nước và cả Việt Kiều về “thành phố đáng sống” Đà Nẵng. Tuy nhiên kỳ vọng này bị khủng hoảng kinh tế chặn lại. Về phía chính quyền địa phương, những ưu đãi được dành cho dự án như giải phóng mặt bằng, giá đất… với kỳ vọng khi hình thành những dự án này sẽ làm thay đổi bề mặt đô thị của Đà Nẵng nhưng dường như “thành phố đã chọn nhầm người để giao đất”, một chuyên gia phân tích.

Sẽ kiên quyết xử lý

Nhà đầu tư sẽ bị thu hồi đấy và không đề bù nếu không thực hiện dự án trong thời gian từ 1-2 năm.

Nói về những dự án treo trên địa bàn thành phố, ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng cho biết hiện Đà Nẵng có hơn 50 dự án ven biển, với hơn 82.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, có 17 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 8 dự án chậm triển khai và số dự án chưa triển khai còn tới 20. Đối với những dự án ở khu vực trung tâm, thành phố đã cấp chứng nhận cho 6 dự án, trong đó có 4 dự án triển khai chậm.

Về phương án xử lý những dự án này, tại kỳ họp HĐND Thành phố Đà Nẵng vừa mới diễn ra, ông Trần Thọ - Bí thư TP Đà Nẵng nhấn mạnh: Chúng ta đã cam kết với các nhà đầu tư trong việc thực hiện triển khai dự án, vi vậy thành phố phải theo dõi việc thực hiện của các nhà đâu tư đến nơi đến chốn, không để nhà đầu tư cam kết theo hình thức đối phó rồi không làm. “Hơn nữa, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, có điểm thuận lợi là nếu dự án không được thực hiện trong thời gian từ 1- 2 năm thì chủ đầu tư sẽ bị thu hồi đất và không đền bù” - ông Thọ nhấn mạnh.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia bất động sản Đỗ Minh Dương cho rằng, để thị trường phát triển một cách bền vững, ổn định và minh bạch thì chính sách trên hoàn toàn chính xác. Theo ông Dương, đây là một bước sàng lọc cần thiết cho việc thiết lập lại trật tự trên thị trường, tránh lặp lại tình trạng vài năm trước đây, khi thị trường bất động sản phát triển quá nóng, nhiều chủ đầu tư đã “tay không bắt giặc”, rồi sau đó không đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án. “Nếu quy định này được thực hiện một cách nghiêm minh thì sẽ hạn chế được tình trạng các chủ đầu tư chỉ nhăm nhe xin đất để vẽ dự án rồi kiếm lời”.

Theo giới phân tích thời điểm này thì các chủ đầu tư có dự án treo nên xin bị thu hồi để được trả lại tiền đã đầu tư. “Nếu không đủ khả năng triển khai được dự án sau khi đã đổ vào đó hàng "đống tiền" thì tốt nhất là nên xin trả lại dự án để nhận được tiền đã đầu tư. Còn hơn là để bị thu hồi, mất trắng” - Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản (đề nghị không nêu tên) nhấn mạnh.

(Diễn đàn doanh nghiệp)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm