Bộ Tư pháp cho rằng, việc chủ đầu tư bán nhà đang bị thế chấp mà chưa thực hiện thủ tục thay đổi nội dung thế chấp (rút bớt tài sản thế chấp) là không phù hợp quy định, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người mua nhà và tổ chức tín dụng.
Theo Bộ Tư pháp, nếu tranh chấp phát sinh do người mua nhà không được cấp giấy
chứng nhận thì người dân có quyền kiện chủ đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại.
(Nguồn ảnh: Ngọc Hà).
Vừa qua, UBND Tp.HCM đã giao các sở ngành và UBND huyện, quận chủ động giải quyết vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (giấy chứng nhận) cho người mua nhà tại các dự án nhà ở. Công tác cấp giấy chứng nhận cho các dự án căn cứ vào ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp trước đó đã có văn bản trả lời kiến nghị của UBND Tp.HCM về việc cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà trong các dự án nhà ở vừa bán cho dân vừa thế chấp tại ngân hàng.
Nếu chủ đầu tư bán nhà khi vẫn còn thế chấp ngân hàng mà không rút bớt tài sản thế chấp thì chính quyền yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc rút bớt tài sản. Đồng thời, chủ đầu tư và ngân hàng phải có văn bản thỏa thuận về việc rút bớt tài sản thế chấp để làm cơ sở cập nhật biến động khi cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, theo Bộ Tư pháp.
Nếu chủ đầu tư không rút bớt tài sản thế chấp để cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà thì sẽ bị xem xét xử lý hành chính hoặc xử lý trách nhiệm bằng các biện pháp khác để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Mặt khác, tranh chấp phát sinh do người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận thì người mua nhà có thể khởi kiện chủ đầu tư để yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy hợp đồng mua bán nhà.
Khi chủ đầu tư đã làm thủ tục rút bớt tài sản thế chấp giải quyết cho khách hàng thì cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cho phần tài sản thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Chính quyền Tp.HCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM hướng dẫn các tổ chức tín dụng phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện hướng dẫn trên của Bộ Tư pháp. Cùng đó, các tổ chức tín dụng cần theo dõi tình trạng tài sản nhận thế chấp là các dự án nhà ở để kịp thời có các biện pháp bảo đảm giá trị tài sản thế chấp nhằm giảm thiểu rủi ro.
(Tuổi trẻ online)