Một xu hướng đang ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như Việt Nam là đi thuê nhà tại những dự án thuận lợi cho công việc và phù hợp với khả năng tài chính.
Về thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, quỹ đất sạch ngày càng hiếm, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt hơn, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chặt chẽ, thanh tra tham nhũng được đẩy mạnh... Những yếu tố này sẽ khiến việc cấp phép dự án, chi phí, cơ hội với các chủ đầu tư sẽ ngày càng khó khăn hơn. Thị trường khi đó sẽ được thanh lọc và nguồn cung nhà ở có thể giảm trong năm 2019.
Trước những khó khăn đó, liệu thị trường bất động sản Việt Nam có còn là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư, thưa ông?
Với những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực và uy tín, những khó khăn chung này sẽ là cơ hội. Những dự án lớn, có tính khả thi, đủ điều kiện cấp phép sẽ vẫn được triển khai và dễ bán hơn.
Về tổng thể, cả thị trường và các doanh nghiệp bất động sản sẽ có khó khăn nhưng lợi thế hiện còn nhiều. Trong khoảng 96 triệu dân của Việt Nam chủ yếu là dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, làn sóng di dân lập nghiệp từ nông thôn lên thành phố ngày càng cao... tạo nhu cầu lớn về nhà ở.
Do đó, trong ngắn, trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt vẫn có đà phát triển tốt, thậm chí ngay cả trong 30-50 năm tới. Nếu doanh nghiệp chọn đúng vị trí, cơ cấu sản phẩm và thời điểm để phát triển dự án phù hợp, nguồn cung và cầu vẫn rất lớn và thanh khoản vẫn ở mức tốt.
Xu hướng đi thuê nhà đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam
Dù nhu cầu nhà ở lớn nhưng tại các thành phố lớn, giá nhà vẫn quá cao so với thu nhập của người dân. Nhiều người trẻ tuổi và người có thu nhập trung bình vì thế rất khó tiếp cận nhà ở. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Thứ nhất, hiện có khá nhiều dự án phát triển một lượng lớn căn hộ diện tích nhỏ để hướng đến nhóm khách hàng là những người có ít vốn hoặc những người trẻ muốn tách ra ở riêng. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng đưa ra những chính sách thanh toán hợp lý để người trẻ tuổi, người thu nhập thấp dễ sở hữu nhà hơn.
Các gói thanh toán linh hoạt từ chủ đầu tư cũng giúp khách hàng giảm đáng kể áp lực tài chính, mang đến cơ hội cho nhiều người được an cư lạc nghiệp.
Thứ hai, tôi cho rằng, về lâu dài, người dân cần thay đổi quan niệm về nhà ở, từ việc sở hữu nhà sang có chỗ ở (thuê nhà). Những người có vốn ít không nên dốc tiền mua nhà mà có thể đi thuê tại những dự án phù hợp với túi tiền và thuận lợi cho công việc. Đây là xu hướng chung trên thế giới và đang phổ biến tại Việt Nam.
Như vậy, trào lưu mua nhà cho thuê có thể xuất hiện tại Việt Nam?
Theo tôi, với những người có tiền, "mua nhà cho thuê" là kênh đầu tư hiệu quả vì so với những kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm... bất động sản hiện là kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn. Thị trường dù lên hay xuống, tài sản là căn nhà vẫn được bảo toàn và mang lại nguồn thu nhập ổn định, giống như hình thức bảo hiểm cho tương lai.
Như ông nói, người thuê cần chọn dự án phù hợp nên không phải đầu tư vào dự án nào cũng hiệu quả. Vậy những người mua nhà cho thuê nên chọn dự án thế nào?
Trước tiên cần xác định rõ khách hàng để chọn dự án phù hợp. Chẳng hạn, với khách thuê là những chuyên gia, người nước ngoài, họ nên chọn dự án dễ kết nối với trung tâm, có quy hoạch đồng bộ, cảnh quan đẹp, đủ tiện ích, nhiều không gian xanh...
Với khách thuê là thế hệ Millennial (19-37 tuổi, hiện chiếm 34% tổng dân số nước ta), nhà đầu tư nên chọn dự án có môi trường sống năng động. Bởi đối tượng này có thu nhập ổn định và chịu ảnh hưởng bởi phong cách sống phương Tây.
Với nhóm khách hàng này, nhà không chỉ để ở mà còn là nơi nghỉ dưỡng, hưởng thụ, khám phá thiên nhiên... Bởi vậy, những dự án được đầu tư các loại hình tiện ích mới như phim ảnh, nghệ thuật, giải trí, ẩm thực... sẽ là lựa chọn phù hợp.
Do đó, những người mua nhà để cho thuê lại hoặc bố mẹ mua nhà cho con ở độ tuổi Millennial cần chọn dự án đáp ứng nhu cầu đa dạng của đối tượng này. Theo tôi, nên chọn những dự án không xa trung tâm, đầy đủ về hạ tầng, tiện ích, có công viên, biển, hồ...
(Vneconomy)