Hỏi: Năm 2004, cha mẹ tôi qua đời điể lại một khu đất 25.00m2 thuộc địa bàn huyện D.T, tỉnh Bình Dương. Gia đình tôi có 3 chị em gái. Chị cả tôi là Ngô Thị C là người canh tác và quản lý khu đất này. Em gái Ngô Thị Tr. và tôi cũng đã không ít lần yêu cầu chị C. tiến hành phân chia đất. Tuy nhiên, chị tôi không đồng ý.
Vào năm 2009, tôi và em gái Ngô Thị Tr. cũng đã đệ đơn tranh chấp thừa kế với chị C. Vụ tranh chấp đó sau khi hoà giải không thành đã được chuyển lên cho toà án huyện. Tháng 4/2015, toà thụ lý vụ án. Tiếp đó đến khoảng giữa năm 2015, với lý do thời hiệu khởi kiện đã chấm dứt, toà án huyện đã đưa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Song, em gái Ngô Thị Tr. và tôi đã không đưa ra đơn kháng cáo. Vậy cho tôi hỏi việc Toà án nhân dân huyện giải quyết như vậy đã đúng chưa và liệu chúng tôi có cơ hội thắng kiện hay không?
Ngô Thị A.T (Bình Dương)
|
10 năm tính từ thời điểm thừa kế chính là thời hiệu khởi kiện để người thừa kế có thể yêu cầu xác nhận quyền thừa kế và chia di sản của mình hoặc để bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Ảnh minh họa |
Trả lời:
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã được quy định rõ ràng tại Điều 645 Bộ luật Dân sự hiện hành rằng, 10 năm tính từ thời điểm thừa kế chính là thời hiệu khởi kiện để người thừa kế có thể yêu cầu xác nhận quyền thừa kế và chia di sản của mình hoặc để bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
Năm 2004 khi cha mẹ bạn qua đời chính là thời điểm mở thừa kế. Nếu tính ra, năm 2014 sẽ là năm kết thúc thời hiệu khởi kiện. Nhưng vào năm 2009, chị và chị Ngô Thị Tr. cũng đã có đơn yêu cầu toàn án giải quyết tranh chấp. Bởi vậy, thời hiệu khởi kiện thừa kế sẽ vẫn còn tiếp tục.
Do đó, phán quyết được đưa ra bởi Toà án nhân dân huyện là sai bởi đã tính theo thời điểm thụ lý vụ án - tháng 4/2015 mà lại không hề căn cứ vào thời điểm có yêu cầu tranh chấp - năm 2009. Vậy nên, chị có thể đợi phán quyết công minh hơn tại những phiên toà tiếp theo.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi
(Sài Gòn đầu tư tài chính)