Hỏi: Nội dung của Luật quy định người nước ngoài sẽ chính thức được sở hữu căn hộ tại Việt Nam từ tháng 7/2015. Tuy nhiên, người nước ngoài có quyền mua căn hộ của cá nhân không hay chỉ được mua từ các dự án của chủ đầu tư?
Rất mong nhận được sự giải đáp của luật sư. Tôi xin cảm ơn!
|
Người nước ngoài có thể mua căn hộ của cá nhân. Ảnh: Đầu tư chứng khoán |
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, 2, Điều 119 của Luật nhà ở năm 2014 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 đã nêu rõ những điều kiện mà các bên khi tham gia giao dịch nhà ở phải tuân theo là:
Nội dung tại Khoản 1 có nêu: “Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:
a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự;
Trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự;
Nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
Tại Khoản 2 đã nêu rõ: “Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:
a) Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch”.
Chiếu theo nội dung tại Điểm b, Khoản 2, Điều 159 của Luật nhà ở năm 2014 thì các cá nhân cũng như tổ chức nước ngoài sẽ được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức mua, thuê mua, thừa kế, tặng cho nhà ở thương mại bao gồm nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư thuộc dự án xây dựng nhà ở (trừ những khu vực liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng mà Chính phủ quy định).
Từ những quy định hiện hành của pháp luật, nếu người nước ngoài đã có đủ điện kiện để sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì có thể ký hợp đồng mua tài sản đó và không có sự phân biệt là mua của chủ đầu tư hay của cá nhân.
Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Viễn
(Công ty Luật TNHH An Ánh Dương)
(Cafeland)