Tư vấn luật

Hỏi về việc chia thừa kế đất đai

19/05/2015 - 04:38

Gia đình tôi có 1 chị gái, 2 anh em trai. Ba mẹ tôi trước khi mất có nói tới chuyện chia nhà đất nhưng vì có nhiều biến cố phát sinh nằm ngoài ý muốn nên hiện tôi đang rất băn khoăn.

Cụ thể, ba mẹ tôi trước đây đã nói sau khi mất nhà, đất hiện có sẽ chia cho 3 chị em 3 phần bằng nhau. Nhưng chị gái tôi sau khi lấy chồng xa nhà nên không nhận phần đất thừa kế đó, chỉ còn anh trai và tôi hưởng. Đột nhiên, anh trai tôi biệt xứ, hơn 10 năm không có tin tức gì. Trong thời gian này, tôi vẫn để dành phần anh đất của ba mẹ. Cách đây 1 năm, mẹ tôi nói, giờ không hi vọng anh trai tôi trở về nữa nên tôi được thừa kế hết. Trên mảnh đất đó, tôi đã xây nhà trọ cho thuê.

Gần đây, anh trai tôi bỗng trở về nhà, đưa theo vợ con và đã có ý lấy phần kia. Vậy tôi muốn hỏi, tôi có bị buộc phải trả lại cho anh trai phần đất đó không? Hiện tại, cả ba mẹ tôi đều đã mất.

ngochuydongmuong@...

đất đai
Các con có quyền thừa kế đất của cha mẹ để lại. Ảnh: Internet

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến văn phòng chúng tôi, thắc mắc của bạn có 2 vấn đề cần giải quyết như sau:

Thứ nhất, bản di chúc bằng miệng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 649 BLDS 2005:

“Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.

Tuy nhiên, di chúc bằng miệng được công nhận là hợp pháp khi thõa mãn các điều kiện được quy định tại Khoản 5, Điều 652, Bộ luật Dân sự năm 2005:

“Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.

Theo như nội dung câu hỏi của bạn đưa ra thì di chúc miệng mà bố mẹ của bạn để lại có người làm chứng nhưng những người làm chứng đó lại không ghi chép lại, không cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Do vậy, di chúc miệng mà bố mẹ bạn để lại không hợp pháp nên nó không có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, khối di sản mà bố mẹ bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật. Những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của bố mẹ của bạn trong trường hợp này sẽ là 3 người con, trong đó chị gái bạn đi lấy chồng xa và không nhận phần thừa kế đó. Theo quy định của pháp luật thì khối di sản này sẽ được chia đều cho 2 người con là bạn và anh trai.

Thứ hai, quyền thừa kế của người biệt tích.

Việc anh bạn biệt tích ở đây chưa rõ ràng. Nếu mất tích thì phải có tuyên bố mất tích của Tòa án; Mất tích một khoảng thời gian nhất định và đáp ứng điều kiện luật định thì Tòa án tuyên bố chết. Bạn lưu ý, người có tài sản chết là sự kiện pháp lý tiên quyết trong việc chia thừa kế.

Vì vậy, quyền thừa kế của anh trai bạn không bị hạn chế và anh trai bạn có quyền đòi lại phần tài sản của mình.

Công ty Luật ANT

(CafeLand)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm